Thông tin từ Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 của Bộ Công an về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi cho thấy, 2 năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện 3.748 vụ, với gần 4.000 trẻ em bị xâm hại, đồng thời xử lý 4.354 trường hợp liên quan. Cũng trong thời gian này, các cơ quan chức năng phát hiện 8.227 vụ, với 16.649 trường hợp là người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Những con số biết nói này đã gióng lên hồi chuông đáng báo động về việc, trong xã hội hiện đại, số trẻ em bị xâm hại, bạo hành ngày càng tăng. Khi nghe những con số này, nhiều phụ huynh phải giật mình và cảm thấy lo lắng.
Chị Bùi Thu Hồng (Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội) cho hay, thi thoảng đọc thông tin về các vụ bạo hành và xâm hại trẻ em, chị cảm thấy vô cùng bất an. Hai con chị, một bé trai học lớp 5 rất hiếu động, một bé gái học lớp 7 đang ở giai đoạn phát triển tâm sinh lý, ngoài thời gian ở nhà thì khi ra đường, nguy cơ bị xâm hại, bạo hành có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Vợ chồng chúng tôi phải đi làm, không thể ở bên con suốt cả ngày nên khi ra ngoài xã hội luôn cảm thấy rất lo lắng. Mong sao tất cả các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em phải được xử lý thật nghiêm minh trước pháp luật”, chị Hồng nói.
Chỉ trong 2 năm, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 4.000 vụ trẻ em bị xâm hại (Ảnh minh họa)
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP Hà Nội), những con số thống kê về các vụ việc bạo hành trẻ em mà Bộ Công an đưa ra là những con số rất đáng báo động. Điều này cho thấy, nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào, bất kỳ hoàn cảnh nào và bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, những con số này được thống kê trên cơ sở các vụ việc có tin báo hoặc đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực của pháp luật. Còn những vụ việc chưa được phát hiện, chưa có kết luận hoặc chưa được giải quyết thì nhiều hơn con số thực tế nhiều lần. Điều này cho thấy, công tác bảo vệ trẻ em cũng như nguy cơ mất an toàn của trẻ em ở Việt Nam vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, cần có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, nhiều ngành cũng như phải có sự chung tay của toàn xã hội thì mới đảm bảo trẻ em có môi trường an toàn và được bảo vệ một cách tốt nhất bởi pháp luật.
Cũng theo luật sư Cường, những chế tài hành chính, hình sự đã được quy định, xác lập là cần có xử lý thật nghiêm với các hành vi xâm hại trẻ em, trong đó, những hành vi xâm hại sẽ được xử lý bằng tăng nặng trách nhiệm hình sự… Về mặt pháp lý, về mặt chính sách thì pháp luật ở Việt Nam rất quan tâm, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em ngày càng được hoàn thiện.
Tuy vậy, tại sao trẻ em vẫn bị bạo hành, vẫn bị xâm hại, vẫn bị vi phạm quyền nhiều như vậy? Ông Cường cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân đầu tiên là những văn bản quy phạm pháp luật, những chính sách chưa đi đến được với nhiều người dân, mặc dù công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được đẩy mạnh, đề cao, được đổi mới phương thức nhưng hiệu quả cũng ở mức độ nhất định.
“Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng như bố xâm hại con gái, chú, bác xâm hại cháu, hàng xóm xâm hại trẻ em, thầy giáo xâm hại học sinh… Với những trường hợp này thì vấn đề nhận thức về quyền trẻ em, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Chính vì nhận thức hạn chế, đạo đức thấp kém, ý thức coi thường pháp luật, coi thường trẻ em cho nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm hại trẻ em”, luật sư Cường chia sẻ.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Cường cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc xâm hại trẻ em vẫn gia tăng là do việc phát hiện và xử lý còn rất nhiều tồn tại. Những hành vi này thường diễn ra ở nơi vắng vẻ kín đáo, đối tượng là những người không có quan hệ gần gũi hoặc là ruột thịt với trẻ em, vì vậy, trong nhiều trường hợp trẻ em cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, không dám kể với ai. Nắm bắt được điểm yếu này, những đối tượng thực hiện hành vi đồi bại thường bất chấp pháp luật và tìm cách che giấu hành vi của mình. Những hành vi đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, rất ít đối tượng ăn năn với hành vi của mình mà thường chối tội, trốn tránh vì xấu hổ và sợ vi phạm pháp luật, do đó việc phát hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Để phát hiện kịp thời và xử lý hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục rất khó trừ trường hợp là hiếp dâm hoặc giao cấu có thể để lại dấu vết. Xâm hại ở mức độ dâm ô, sờ mó, đụng chạm, những hành vi này rất ít để lại dấu vết và rất khó để phát hiện. Về câu chuyện trách nhiệm của cộng đồng, nhiều người vẫn có quan điểm “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Trẻ em bị bạo hành, xâm hại, hàng xóm biết, đồn thổi nhưng họ vẫn thờ ơ, ngại mâu thuẫn, sợ khi nói ra bị vạ lây, liên lụy nên nhiều trường hợp đã biết, nghi ngờ nhưng lờ đi, không có trách nhiệm với công tác bảo vệ trẻ em, không trình báo.
Ông Cường liên hệ, ở các quốc gia phát triển, quyền trẻ em được phổ biến rất rộng rãi cũng như nhận thức về quyền trẻ em trong xã hội rất đầy đủ và ý thức rất cao. Khi phát hiện có hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em và bất kỳ ai, những người xung quanh đều có thể nhấc điện thoại gọi ngay cảnh sát, chỉ một thời gian rất ngắn cảnh sát đã có mặt ngay và đưa người xâm hại trẻ em đó đến đồn công an.
Ở Việt Nam, việc trình báo tố giác, phát hiện, báo cơ quan chức năng còn khó khăn, chậm trễ, nhưng việc cơ quan chức năng có mặt kịp thời để ngăn cản, xử lý cũng bị chậm bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về nhân lực, nhận thức.
Trường hợp có bạo hành, có xâm hại xảy ra nhưng tâm lý chung của người Việt Nam là trọng tình và dùng tình cảm để giải quyết vấn đề, vậy nên hai bên cứ lời qua tiếng lại, thậm chí vài tháng trôi qua không giải quyết được mới đưa ra pháp luật. Khi đó việc thu thập các chứng cứ, dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân để xác định có hành vi xâm hại hay không, ai bị xâm hại thì rất khó khăn, vì vậy nhiều vụ việc đi vào ngõ cụt, không có đủ căn cứ để kết tội.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, để công tác bảo vệ trẻ em đạt hiệu quả, trẻ em được bảo vệ tốt nhất thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, giải pháp đầu tiên là về chính sách pháp luật. Mặc dù chính sách pháp luật, chính sách về bảo vệ pháp luật trẻ em của Việt Nam hiện nay tương đối tốt, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì sẽ phát sinh những tình huống mới, vấn đề mới. Trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, những nguy cơ phát sinh mới luôn đe dọa trẻ em... Vì vậy, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em cũng phải được hoàn thiện, đổi mới, phải được bổ sung để cho phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay.
“Câu chuyện về công tác giáo dục pháp luật, giáo dục về quyền trẻ em với độ tuổi học sinh cần phải nâng cao, để làm sao trẻ em biết được quyền của mình cũng như cách thoát hiểm khi bản thân rơi có thể rơi vào tình huống nguy hiểm. Cùng với đó, phải kiện toàn các cơ quan tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em, cần có cơ chế phối hợp để bảo vệ trẻ em.
Hiện nay đến 17 cơ quan tổ chức có chức năng nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng để có một cơ chế phối hợp, cơ quan tổ chức nào thực hiện trong phạm vi nào, phân loại trẻ em, hỗ trợ như thế nào đối với từng đối tượng thì thực sự là vẫn là khoảng trống. Bất kỳ hành vi nào xâm hại đến quyền trẻ em thì đều được xác định là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội và những hành vi ấy phải được xã hội cười chê lên án và phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh”, luật sư Đặng Văn Cường nói.