Các quan chờ dâng biểu dưới triều nhà Nguyễn. (Ảnh tư liệu)
Từ “bệ hạ” được ghi trong sử sách Trung Quốc từ thời Tần. Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, phần “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” đã viết “Từ thời thượng cổ không có ai uy đức bằng bệ hạ”.
Trong sách “Thuyết văn giải tự”, học giả Hứa Thận thời nhà Tống giải thích: Bệ là bậc cấp đi lên cao. “Bệ hạ” là phía dưới của bậc thềm, có ý nghĩa là về việc quần thần khi nói với hoàng đế không dám nói trực tiếp mà phải nói với người dưới bệ để chuyển lời, ý là người có địa vị thấp hướng đến người có địa vị tôn quý.
Do đó, “bệ hạ” trở thành từ chỉ hoàng đế, chỉ việc đại thần đợi ý chỉ dưới bệ, hoàng đế ngồi ở trên bệ cao chờ người chuyển lời lên. Ngoài “bệ hạ”, thời phong kiến còn có các đại từ tôn xưng như “điện hạ”, “phủ hạ”, “các hạ”, “môn hạ”, cũng có ý nghĩa là “dưới điện”, “dưới phủ”, “dưới gác”, “dưới cửa”, tỏ ý người dưới nhìn lên phía trên để xưng hô với ý khiêm cung.
Ở nước ta, đời vua Lê Thánh Tông, mùa xuân năm Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), nhà vua có ban chiếu quy định các danh từ để xưng hô như sau: “Thân vương xưng hô là điện hạ; tự thân vương xưng là phủ hạ; tước công, tước hầu, tước bá, phò mã và viên quan hàm nhất phẩm xưng là các hạ; viên quan hàm nhị tam phẩm xưng là môn hạ; viên quan hàm tứ, ngũ và lục phẩm xưng là đại phu; viên quan hàm thất, bát và cửu phẩm xưng là quan trưởng. Nếu người nào dám xưng hô tiếm lạm càn rỡ cùng người nhận lời xưng hô không chính đáng đều sẽ phải phạt 50 roi và 10 quan tiền”.
Tuy nhiên, ở nước ta, không phải triều đại nào cũng gọi vua là “bệ hạ”. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì vào năm Thiên Thành thứ 7 (1034), đời Lý Thái Tông, nhà vua xuống chiếu cho các quan khi có việc ở trước mặt vua thì gọi vua là "triều đình".
Sử thần Lê Văn Hưu bình luận rằng: “Bề tôi gọi vua là bệ hạ, chỉ chỗ thiên tử ở là triều đình, chỉ chỗ chính lệnh ban ra là triều sảnh, từ xưa không thay đổi xưng hô. Nay Lý Thái Tông lại bảo các quan gọi mình là triều đình, sau Lý Thánh Tông lại tự xưng là vạn thặng, Lý Cao Tông bảo mọi người gọi mình là Phật, đều không theo phép ở đâu, mà là thích khoe khoang”.
Khung cảnh triều đình nhà Lê. (Ảnh minh họa)
Còn sang đến thời Trần, đời vua đầu tiên là Trần Thái Tông, sau khi lên ngôi tới 25 năm, đến năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1250), “Toàn thư” cho biết: "Nhà vua xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quốc gia". Thời Trần, các vua thường sớm nhường ngôi cho con để làm Thượng hoàng, vua gọi là Quan gia.
Tuy nhiên, sử cũ chép rằng, khi xưng hô với Thượng hoàng nhà Trần, triều thần vẫn gọi là “bệ hạ”, như khi Hưng Đạo vương được Thượng hoàng sai tạm nhận chức Tư đồ để tiếp sứ Trung Quốc, vương đã trả lời rằng: "Dự tiếp sứ giả, thần không dám chối. Còn như thăng chức Tư đồ, thần không dám vâng mệnh, vì Quan gia đi đánh giặc phương xa, Quang Khải đi theo hộ giá mà bệ hạ tự làm việc phong chức, e lòng người trên dưới sợ có chỗ không yên và cũng không vừa ý Quan gia và Quang Khải. Đợi xa giá trở về, việc phong chức cũng chưa muộn”. Như vậy, khi xưng hô với Thượng hoàng, Hưng Đạo vương gọi Thượng hoàng là Bệ hạ.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, năm 1425, sau khi từ Nghệ An vào lấy được Tân Bình và Thuận Hóa, các tướng suy tôn Bình Định vương Lê Lợi là "Đại thiên hành hóa". Từ đó, các mệnh lệnh, dụ văn, phần nhiều lấy bốn chữ ấy để xưng.
Khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Bình Định vương lên ngôi vua nhưng chưa xưng danh hiệu Hoàng đế, chỉ xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại vương, hiệu là Lam Sơn Động chủ. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ xưng với quần thần là “trẫm”, quần thần gọi vua là “bệ hạ”. “Trẫm” là đại từ xưng hô dành riêng cho nhà vua, cũng xuất phát từ thời Tần Thủy Hoàng bên Trung Quốc.
Nhà sử học Lê Văn Hưu từng viết: “Thiên tử tự xưng là trẫm là dư nhất nhân“. Khi Hồ Quý Ly chuẩn bị cướp ngôi nhà Trần, đã tự xưng là Quốc tổ Chương Hoàng, nhưng cũng chỉ tự xưng là 'dư' chứ chưa xưng là 'trẫm”.
Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ phong cho con trai trưởng là Lê Tư Tề làm Quốc vương, hoàng tử Lê Nguyên Long (vua Lê Thái Tông sau này) làm Hoàng thái tử. Lê Thái Tổ ban lệnh chỉ quy định, nếu ai có việc đến Quốc vương và Hoàng thái tử thì dùng chữ "khải", chứ không được dùng chữ "tấu" và gọi là "Quốc vương điện hạ", "Thái tử điện hạ". Nếu Quốc vương có tuyên cáo hiệu lệnh gì thì dùng chữ "Quốc vương chỉ huy", không được dùng chữ "sắc".
Đến đời Lê Thánh Tông, tháng 12 năm Quang Thuận thứ 8 (1467), khi triều đình làm lễ tế hưởng về mùa đông, bắt đầu từ lễ này trong chúc từ, nhà vua xưng là "Hiếu tôn quốc hoàng". Trước đây, tế ở thái miếu, trong chúc từ vua Lê đều xưng là tự hoàng, đến năm này vua mới bắt đầu xưng danh hiệu "quốc hoàng". Đọc bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đến đoạn này, vua Tự Đức đã phê rằng: “Hai chữ 'quốc hoàng' rất trái nghĩa và quê mùa. Như thế, sao lại gọi (vua Lê Thánh Tông) là người sùng thượng văn học được?”.
Cũng từ cuối năm 1467, vua Lê Thánh Tông quy định các tờ chế, tờ cáo ban cấp bầy tôi đều xưng là "hoàng thượng chế cáo". Các tờ chế, tờ cáo xưng là “hoàng thượng” cũng bắt đầu từ đấy.
Thời Lê trung hưng, quyền hành trong nước vào cả trong tay các chúa Trịnh, các chúa đều được vua Lê phong tước vương. Các quan, nhân dân gọi các chúa Trịnh là “điện hạ”, khi có việc trình lên chúa thì gọi là "khải" chứ không dùng chữ "tâu".