Giới chức y tế toàn cầu đang tìm cách giải trình tự gene của virus nhằm xác định liệu virus có đang biến đổi và có nguy cơ gây ra làn sóng dịch bệnh mới không?
Chưa đầy 2 tuần sau khi những trường hợp đầu tiên được báo cáo tại Anh, số ca mắc bệnh đầu mùa khỉ hiếm gặp gia tăng nhanh chóng tại nhiều nước, đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ. Hơn 100 ca mắc và nghi mắc được xác nhận tại các quốc gia, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada, Australia, Israel,… Tổ chức Y tế thế giới cho biết, số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng khi cơ quan Liên Hợp Quốc mở rộng diện giám sát ở những quốc gia không phổ biến loại virus này.
Điều gì khiến chuyên gia lo ngại?
Điều khiến các chuyên gia lo ngại là sự lây lan bất thường của bệnh. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ thường lưu hành ở châu Phi, đôi khi các trường hợp cá biệt được phát hiện liên quan đến việc đi du lịch nước ngoài. Nhưng Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Liên minh châu Âu cho biết lần bùng phát dịch bệnh này đã ghi nhận những ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng mà không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào với châu Phi. Đặc biệt, cơ quan y tế một số quốc gia đã lưu ý rằng sự lây lan dường như tập trung ở nam giới đồng tính.
Theo truyền thông Anh, Cơ quan y tế công cộng nước này đã kêu gọi khẩn cấp sự hỗ trợ của các nhà virus học để mở rộng quy mô ứng phó với nguy cơ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Trước đó hôm 20/5 Tổ chức Y tế thế giới đã tiến hành họp khẩn để thảo luận về sự gia tăng nhanh chóng các ca bệnh đầu mùa khỉ, cũng như đánh giá khả năng bùng phát làn sóng dịch bệnh mới.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ là loại virus gây ra các triệu chứng như sốt, đau nhức và phát ban. Đậu mùa khỉ là họ hàng của bệnh đậu mùa - vốn được xóa sổ vào năm 1980, nhưng thường nhẹ hơn, đặc biệt là chủng virus Tây Phi có tỷ lệ tử vong khoảng 4%. Cho đến nay, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo trong đợt bùng phát gần đây ở châu Âu nhưng bệnh đậu mùa khỉ có thể khiến bệnh nhân nằm liệt giường trong nhiều ngày liền. Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần.
Nguồn gốc các ca mắc
Trong đợt bùng phát mới nhất này, kể từ khi Anh xác nhận trường hợp đầu tiên hôm 6/5, số ca mắc đậu mùa khỉ tại nước này hiện đã tăng lên 20. Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, đa số các ca mắc là đồng tính nam. Ngoài Anh, nhiều quốc gia châu Âu khác ghi nhận các ca mắc tương tự, trong đó Tây Ban Nha (30), Bồ Đào Nha (14 ca), Italy (3 ca),…
Dịch bệnh cũng vượt biên giới châu Âu và xuất hiện tại Mỹ, Canada, Australia hay mới đây nhất là Israel. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/5 đã yêu cầu người dân đề phòng bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời cảnh báo hậu quả nếu căn bệnh này tiếp tục lây lan hơn nữa.
Theo Nhà virus học Marion Koopmans, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khoa học Erasmus MC, điều lo ngại hiện nay là các ca mắc đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở những quốc gia khác nhau dù đây không phải là một bệnh dễ lây lan. Trước đây, các trường hợp “ nhập khẩu” là không thường xuyên và không lây lan.
Các nghiên cứu đang được tiến hành nhằm xác định liệu virus có đang thay đổi hay không và liệu các kháng thể từ việc tiêm phòng đậu mùa có thể vô hiệu hóa virus gây bệnh đầu mùa hay không, cũng như khả năng lây truyền qua đường tình dục và tiếp xúc gần. Những kết quả đầu tiên dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới.
Các chuyên gia khuyến nghị điều gì?
Vì sự xuất hiện của các ca bệnh không liên quan đến du lịch hoặc các ca bệnh đã được phát hiện nên Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ nghi ngờ có sự lây lan bệnh này trong cộng đồng và đã đưa ra các khuyến nghị ban đầu cho các cơ quan y tế, đồng thời hướng dẫn các cơ quan chức năng cách ly, xét nghiệm và báo cáo các trường hợp nghi ngờ cũng như thiết lập theo dõi.
Theo giáo sư về y tế công cộng Jimmy Whitworth tại Trường Y học Nhiệt đới London, đợt bùng phát dịch bệnh ở Anh là “chưa từng có”. Tuy nhiên, nếu việc truy vết, cách ly và điều trị được thực hiện hiệu quả, nguy cơ lây truyền sẽ nhanh chóng được kiểm soát.
Ở các quốc gia có sẵn vaccine phòng bệnh đậu mùa, Cơ quan phòng ngừa và dịch bệnh châu Âu khuyến nghị nên cân nhắc việc tiêm chủng cho những người tiếp xúc gần có nguy cơ cao, sau khi đánh giá lợi ích-rủi ro. Và nếu có sẵn thuốc kháng virus, chúng cũng nên được xem xét để điều trị các trường hợp nghiêm trọng. Tại Anh, cơ quan y tế đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho một số nhân viên chăm sóc sức khỏe, cũng như những người tiếp xúc có nguy cơ khác. Trong khi tại Tây Ban Nha, tờ El País đưa tin Bộ Y tế nước này đang chuẩn bị mua hàng nghìn liều thuốc để giúp ngăn chặn dịch bùng phát.