Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao các Bộ đồng loạt phản đối áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có đường?

Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp đều cho rằng, lập luận của Bộ Tài chính khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt "chưa thuyết phục".

Tháng 8/2017, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước ngọt trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung 6 luật thuế.

Sau khi Bộ Tài chính có văn bản gửi để lấy ý kiến của các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP.Hà Nội… thì nhiều bên đều cho rằng, lập luận của Bộ Tài chính khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt "chưa thuyết phục.

Nhiều ý kiến trái chiều về việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt. 

Các Bộ đồng loạt phản đối

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý việc sửa đổi, bổ sung 6 Luật thuế, Bộ Công Thương cho rằng, lý do Bộ Tài chính đưa ra để bổ sung nước ngọt vào danh sách hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt "do mặt hàng này chứa đường, ảnh hưởng tới sức khoẻ là chưa thuyết phục".

Cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính cần có giải trình rõ hơn sự cần thiết khi đưa nước ngọt vào danh mục hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như lý do cần thiết để hạn chế mặt hàng này.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách Nhà nước, người tiêu dùng và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường...

Góp ý vấn đề này, Bộ Tư pháp nêu quan điểm: “Nội dung đánh giá tác động của các chính sách được đề nghị trong dự thảo thay đổi Luật của Bộ Tài chính còn sơ sài và chưa đảm bảo đúng quy định của Điều 35 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó báo cáo đánh giá cần làm rõ chi phí lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; đặc biệt cần có số thu tăng, giảm dự kiến khi thực hiện chính sách.

Đối với chính sách mới bổ sung cần bổ sung đánh giá tác động đến đối tượng chịu sử điều chỉnh của chính sách và đến nền kinh tế nói chung, ví dụ như chính sách tăng thuế GTGT, chính sách thuế TTĐB đối với nước ngọt”.

Có cùng quan điểm này, Bộ Công thương phân tích: “Theo tờ trình đề nghị xây dựng Luật, lý do cần bổ sung nước ngọt vào hàng hóa chịu thuế TTĐB là do mặt hàng này chứa đường và do vậy gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Với quan điểm như trên, không chỉ nước ngọt mà nhiều sản phẩm có đường khác cũng cần phải quản lý. Tuy nhiên khi liệt kê nước ngọt tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính đã liệt kê các sản phẩm không phù hợp với lý do Bộ Tài chính đưa ra, cụ thể coi trà, cà phê (loại không đường) là nước ngọt và loại trừ nước trái cây, nước rau quả (loại có đường), sữa ra khỏi nước ngọt.

Do vậy, đề nghị Bộ Tài chính giải thích rõ hơn sự cần thiết đưa nước ngọt vào hàng hóa tính thuế TTĐB cũng như lý do cần thiết hạn chế mặt hàng này”.

Góp ý về vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh: “Để có căn cứ thuyết phục cần nghiên cứu và đưa ra đánh giá cụ thể về tác động tới sức khỏe tới người tiêu dùng của nước ta với sản lượng, mức tiệu thụ nước ngọt bình quân/người hiện này".

Đồng thời, Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu, nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường.

Trong khi đó, đại diện UBND TP Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm: “Ngoài mặt hàng nước ngọt còn có rất nhiều mặt hàng khác có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhưng không phải mặt hàng chịu thuế TTĐB như mì ăn liền, các loại thực phẩm có nhiều chất gây hại, đồ ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác gây ăn hưởng xấu đến sức khỏe như chế độ ăn, lối sống, môi trường ô nhiễm…".

Đại diện UBND TP Hà Nội cho rằng trong khi chưa có căn cứ cụ thể nước ngọt là nguyên nhân chính hay nguyên nhân lớn nhất để dẫn đến việc nước ngọt được lựa chọn để đánh thuế TTĐB, thì việc đánh thuế mặt hàng nước ngọt vì lý do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chưa thực sự thuyết phục và chưa công bằng, có thể tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Do đó, UBND TP Hà Nội đề nghị không đưa mặt hàng “nước ngọt” vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Trường hợp, cơ quan đề xuất bổ sung “nước ngọt” vào đối tượng chịu thuế TTĐB thì cần có thêm căn cứ thuyết phục hơn, đồng thời là rõ định nghĩa “nước ngọt”.

Doanh nghiệp nghĩ gì?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI chia sẻ: “Hiện nay chưa có đánh giá cụ thể hơn về việc liệu đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt sẽ làm giảm tốc độ tăng béo phì ở Việt Nam là bao nhiêu. Đây là vấn đề quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.”

VCCI kiến nghị Bộ Tài chính chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.

Nếu có kết luận đánh thuế sẽ có tác dụng hiệu quả trong việc hạn chế béo phì thì nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng quy định, như cách làm của Singapore.

Phương pháp này vừa tránh đánh thuế đối với những sản phẩm có hàm lượng đường tự nhiên mà nhà sản xuất không tách ra được, vừa đúng với mục đích đánh thuế vì nếu có hàm lượng đường thấp thì không thể là nguyên nhân gây béo phì.

Theo ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội (AmCham): “Việc đề xuất tăng VAT từ 10 lên 12%, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước ngọt sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực với các doanh nghiệp FDI và cả người tiêu dùng.

Nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam, khi họ đã phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên về chính sách hay về thuế suất”.

Trước đó, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cũng đã từng khẳng định: “Tờ trình của Bộ Tài chính chưa trả lời được câu hỏi là khi luật ban hành, người tiêu dùng, ngành công nghiệp nước giải khát và cả nền kinh tế sẽ “được gì và mất gì?”

Từ khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt nói chung vào tháng 8/2017 và sau sửa đổi lại là nước ngọt có đường, Bộ này nhận được nhiều phản hồi và quan ngại về các hệ lụy của đề xuất này từ các chuyên gia cũng như từ người tiêu dùng.

Cụ thể, Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam ông Herbert Cochran cho rằng đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% và áp thuế TTĐB 10% đối với nước ngọt sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp nước giải khát và cả người tiêu dùng.

Việc tăng thuế sẽ khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tổn hại nhiều nhất, thậm chí có thể không thể tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng; trong khi tổng thu ngân sách từ thuế của Chính phủ có thể giảm xuống.

Đáng ngại, việc áp thuế TTĐB chỉ đối với nước ngọt sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong ngành thực phẩm và nước giải khát. Bởi trên thực tế, nhiều loại thực phẩm cũng chứa đường.

Ông Vũ Tú Thành đặt câu hỏi: “Từ đâu Bộ Tài chính cho rằng nước ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì, nếu đánh thuế lên nước ngọt thì liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không?

Nếu cơ quan soạn thảo quan tâm đến sức khoẻ người dân, đặc biệt là bệnh béo phì và tiểu đường, cần phải đánh thuế tất cả các thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh đó, không nên có sự phân biệt”.

Cùng quan điểm với nhiều tổ chức khác, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội (AmCham) cho rằng điều quan trọng là luật và các quy định được thiết kế để đảm bảo thi hành một cách công bằng và bình đẳng.

Đây cũng là một vấn đề quan trọng khi xem xét các cách thu hút đầu tư có chất lượng cao và đẩy mạnh sự phát triển của khu vực tư nhân.

Hoàng Anh

Tin mới