Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao 4 cách giảm cân nhiều người áp dụng này lại bị bác sĩ phản đối kịch liệt?

(VTC News) -

Nhiều người đã lựa chọn những phương pháp giảm cân với mong muốn nhanh chóng đạt được mục đích như ăn kiêng không đúng cách, bỏ bữa tối hoặc uống ít nước...

Giảm cân là chủ đề mà hầu hết mọi người đều quan tâm, đặc biệt là phụ nữ. Trên thực tế, việc giảm cân không quá khó, chỉ cần kiểm soát việc ăn uống và chăm chỉ vận động là có thể đạt hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, nhiều người lại lựa chọn những phương pháp giảm cân cực đoan với mong muốn nhanh chóng đạt được mục đích như ăn kiêng không đúng cách, bỏ bữa tối hoặc uống ít nước,… Song những phương pháp này có thực sự giúp chúng ta giảm cân? 

Sau đây là 4 phương pháp giảm cân bị các bác sĩ trên kênh Family Doctor phản đối vì tính thiếu khoa học, thiếu an toàn sức khỏe và mang lại kết quả giảm cân không bền vững.

1. Không ăn thực phẩm thiết yếu (tinh bột) trong quá trình giảm cân

Thực phẩm thiết yếu không chỉ chứa carbohydrate, mà còn gồm nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người, chẳng hạn như chất béo, chất đạm, vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng, chất xơ...

Việc loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm thiết yếu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, gan nhiễm mỡ. Vì vậy, cách đúng đắn là chỉ giảm bớt lượng thực phẩm thiết yếu và sử dụng ngũ cốc nguyên hạt để thay thế.

Vì sao 4 cách giảm cân nhiều người áp dụng này lại bị bác sĩ phản đối kịch liệt? - 1

Ăn uống đúng cách mới có thể giảm cân an toàn (Ảnh minh họa).

2. Chế độ ăn Keto trong thời gian dài, ăn nhiều thịt để giảm cân

Thịt chứa đạm chất lượng cao và nhiều loại khoáng chất, có thể đem đến cho chúng ta cảm giác no bụng. Bên cạnh đó, thịt được tiêu hóa chậm trong cơ thể và kéo dài thời gian cư trú trong đường tiêu hóa nên có thể đạt được hiệu quả giảm cân.

Nếu áp dụng chế độ chỉ ăn thịt trong một thời gian ngắn, bạn thực sự có thể giảm cân. Tuy nhiên, nếu duy trì chế độ này lâu dài, nó có thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng.

Chỉ ăn thịt cũng được coi là một chế độ ăn kiêng ketogenic, có thể giúp bạn giảm cân trong thời gian ngắn nhưng lại gây ra tác hại lâu dài.

3. Theo đuổi mục tiêu giảm cân bằng cách bỏ bữa tối

Việc bỏ bữa tối chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bữa sáng của ngày hôm sau, thậm chí có thể khiến chúng ta ăn nhiều hơn vào bữa sáng dẫn đến không thể giảm cân. Do đó, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát tổng lượng calo nạp vào hàng ngày và đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Một số đạo sĩ và Phật tử đề xuất phương pháp không ăn sau buổi trưa, nhưng phương pháp này chỉ dành riêng cho họ, bởi vì phần lớn thời gian họ ít hoạt động nên lượng dinh dưỡng cần tiêu thụ không nhiều.

Trong khi đó, chúng ta có rất nhiều việc phải làm mỗi ngày như đi làm, xử lý việc nhà, chăm sóc cha mẹ, con cái, khiến tinh thần căng thẳng và tiêu hao nhiều chất dinh dưỡng hơn. Vì vậy, nếu áp dụng chế độ không ăn sau bữa trưa lâu dài có thể gây tổn hại đến sức khỏe.

Nếu muốn giảm cân thành công, bạn buộc phải chọn cách phù hợp (Ảnh minh họa).

4. Nỗ lực giảm cân bằng cách uống ít nước

Không thể phủ nhận rằng việc uống ít nước có thể giúp giảm cân tạm thời, nhưng đây là một phương pháp cực đoan, chỉ khiến cơ thể chúng ta mất cơ và nước. Cách giảm cân khoa học là giảm mỡ và tăng cơ chứ không phải để cơ thể mất nước.

Nếu bạn giảm lượng nước trong cơ thể, nhưng cân nặng lại tăng trở lại sau khi uống vài cốc nước thì kiểu giảm cân này chẳng có ý nghĩa gì, ngược lại còn gây hại cho sức khỏe.

Nhìn chung, trên cơ sở đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, chúng ta nên giảm lượng thức ăn thiết yếu một cách thích hợp và kiểm soát chặt chẽ tổng lượng calo nạp vào cơ thể hàng ngày. Bên cạnh đó, nên duy trì ăn 3 bữa đều đặn mỗi ngày, mỗi bữa chỉ nên ăn khoảng 70-80% nhu cầu, tránh ăn nhiều đường, dầu mỡ và muối.

Đảm bảo mỗi tuần tập thể dục 3-4 lần, mỗi lần trên 30 phút, ví dụ tập các môn như đi bộ, chạy bộ, nhảy dây và bơi lội, đồng thời, cũng nên kết hợp tập thêm một số môn thể thao tăng cường thể lực để có hiệu quả giảm cân tốt nhất.

Lan Hương (Nguồn: Family Doctor)

Tin mới