Mức điểm chuẩn vào đại học năm 2020 gây “choáng váng” cho nhiều thí sinh. Có em đạt 29,9 điểm khối C vẫn có thể trượt. Cũng có em 29,04 điểm khối A trượt ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Lý giải tình trạng này, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, năm nay phổ điểm thi tốt nghiệp THPT cao nên điểm chuẩn vào các trường cao là tất yếu.
Bên cạnh đó, việc các trường đưa nhiều phương thức xét tuyển đầu vào, chỉ tiêu xét theo kết quả thi giảm, số lượng thí sinh ít đi, nên độ cạnh tranh về điểm số đương nhiên sẽ rất cao.
Điển hình như một số ngành Luật, Y dược, Kinh tế đối ngoại, Khoa học máy tính, Hàn Quốc học, Đông phương học... đều lấy trên 29 điểm. Điểm cao khiến không ít thi sinh "choáng", bởi 28 điểm chưa chắc đã đỗ đại học như mong muốn.
Ông cũng đánh giá, năm nay các trường cơ bản thuận lợi trong việc xét tuyển do hệ thống đăng ký nguyện vọng và xét tuyển hoàn thiện, không có thay đổi gì.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng phụ trách Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm nay, điểm chuẩn vào trường có nhiều bất ngờ, cao hơn dự kiến. Đặc biệt là ngành Hàn Quốc học năm nay, dù mới tuyển sinh nhưng điểm chuẩn cao nhất toàn trường và cũng là ngành học lấy điểm chuẩn tuyệt đối 30/30 với khối C00 (Văn, Sử, Địa).
Năm 2019, ngành học có điểm chuẩn cao nhất toàn trường của khối C00 là ngành Đông phương học, với điểm chuẩn là 28,5. Năm nay, điểm chuẩn ngành này cũng tăng lên đến 29,75 điểm.
Ông Tuấn lý giải, do chỉ tiêu ngành Hàn Quốc học là 50 nhưng đã tuyển thẳng đến 30 chỉ tiêu, còn 20 chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Dù không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối khối C00 nhưng số lượng thí sinh đạt 28,5 đếm 29 điểm rất đông, các em được cộng điểm ưu tiên, điểm khu vực.... Do đó, trường chỉ cần hạ bớt 0,25 điểm, số lượng thí sinh trúng tuyển ngành Hàn Quốc học sẽ vượt chỉ tiêu rất nhiều.
(Ảnh minh hoạ: C.H)
GS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam phân tích, năm nay, điểm thi tốt nghiệp THPT và phổ điểm các tổ hợp tăng cao nên điểm chuẩn của một số trường cũng theo đó tăng lên ngưỡng 29 điểm. Có thể thấy, hầu hết điểm chuẩn các trường đều cao hơn năm trước.
Đồng thời, trước khi công bố điểm chuẩn các trường đều đã xét học bạ, xét chứng chỉ quốc tế ngay từ đợt 1, số lượng học sinh đó đã nhập học. Cho nên số thí sinh tham gia xét tuyển bằng kết quả thi THPT giảm cũng là nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT cho rằng nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển vào một ngành cao hoặc rất cao. Trong đó, có nguyên nhân chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký đông.
Hơn nữa, các chỉ tiêu đã dành một phần cho xét tuyển bằng các phương thức khác không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu phục vụ công tác xét tốt nghiệp. Không những vậy, do bối cảnh dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019, nên điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.
Theo bà Thủy, quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành. Bộ GD&ĐT cũng thường xuyên khuyến cáo, truyền thông qua các kênh để thí sinh lưu ý điểm này khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT.
Tuy nhiên, một số thí sinh chỉ đăng ký một hoặc rất ít nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn. Thực tế năm nay xảy ra tình trạng thí sinh đạt điểm cao vẫn trượt đại học.
“Về nguyên tắc, các trường sẽ xét tuyển theo điểm thi từ cao đến thấp (không phân biệt thứ tự nguyện vọng của thí sinh, trừ các thí sinh có cùng điểm thi ở cuối danh sách). Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh nên việc thí sinh có điểm thi thấp hơn các thí sinh khác không trúng tuyển là việc tất yếu có thể xảy ra, mặc dù điểm thi cao hoặc rất cao”, bà Thủy nói.