Theo lý giải của Bộ Công Thương, đây là khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phát sinh khi Luật Khoáng sản có hiệu lực từ 1/7/2011.
Tuy nhiên, đến năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 202 có hiệu lực từ ngày 20/2/2014 quy định phương pháp xác định, quản lý thu vào ngân sách Nhà nước khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đồng thời quy định hồi tố thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong thời gian từ 1/7/2011 đến 31/12/2013.
Việc này đã gây khó khăn tài chính cho doanh nghiệp thực hiện và cho cơ quan thuế trong quản lý thu.
Bên cạnh đó, vào ngày 21/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 723/TTg-KTN về việc tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc hồi tố thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như thời gian nêu trên.
Hàng loạt vi phạm trong hoạt động khoáng sản đến nay vẫn chưa thể thu được.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa có ý kiến về vấn đề này.
Theo quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Quản lý thuế, trách nhiệm của cơ quan thuế là thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện việc thu hồi, chấm dứt giấy phép khai thác.
“Cơ quan thuế chỉ có thể đôn đốc thu, tính tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp thực hiện nộp tiền không đúng quy định. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp lại chây ì, không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp xử lý chậm nộp… nhưng không hiệu quả”, Bộ Công Thương cho biết.
Đối với các trường hợp này, Bộ Tài chính đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có biện pháp xử lý mạnh sau khi cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp xử lý về thuế như: thu hồi giấy phép khai thác để đảm bảo nguồn thu của ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiếp tục báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dứt điểm đối với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đang tạm hoãn chưa thu vào ngân sách nhà nước giai đoạn từ 1/7/2011 đến 31/12/2013.
Ngoài ra, đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài đối với doanh nghiệp chây ì, nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thu hồi quyết định cấp quyền khai thác khoáng sản.
Hàng loạt vi phạm trong hoạt động khoáng sảnTheo Bộ Quốc phòng, từ đầu năm 2013 đến tháng 5/2017, Bộ đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng loạt vụ việc vi phạm trong hoạt động khoáng sản.
Cụ thể, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện bắt giữ, xử lý 182 vụ/521 đối tượng. Trong đó, tạm giữ 17.725 tấn quặng, 106.881 tấn than, 19.660 m3 cát, 158 phương tiện các loại, 160 máy hút cát…
Qua đó, xử lý vi phạm hành chính 157 vụ/452 đối tượng, thu tiền phạt là 5,6 tỷ đồng; tiền bán phát mại hàng tịch thu, nộp ngân sách nhà nước là 12,6 tỷ đồng; bàn giao cho các lực lượng chức năng xử lý theo thẩm quyền 25 vụ/69 đối tượng.
Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển cũng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 53 vụ/57 tàu vận chuyển trái phép 72.184,494 tấn than; 3.051, 827 tấn quặng; 7.660 tấn quặng sắt; 151 tấn quặng titan.
Kết quả xử lý hành chính 51 vụ với tổng số tiền phạt và bán phát mại thu được 62,2 tỷ đồng; bàn giao 1 vụ/1 tàu/2.161 tấn than cho cơ quan chức năng; đang điều tra, xử lý 1 vụ vận chuyển 3.051,827 tấn quặng ilmenite.
Bộ Công an cũng cho biết, 5 tháng đầu năm 2017, Bộ đã xử lý vi phạm hành chính 772 vụ/795 đối tượng, xử phạt 14,3 tỷ đồng.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, từ năm 2015 đến hết tháng 5/2017, Bộ đã chủ trì, phối hợp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới.
Video: Cận cảnh những hố sâu đáng sợ nơi khai thác vàng trái phép
Điển hình như, từ năm 2015 - 2017, tại Quảng Ninh, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải Quan đã phát hiện bắt giữ khoảng 1.305,650 tấn than mỡ (ước tính tổng giá trị là 2 tỷ đồng); 2.699,72 tấn than dạng cục (khoảng 1,4 tỷ đồng); 1 tàu vận chuyển 90,14 tấn than cám; bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển 70,48 tấn than cám 7C đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Tại Lạng Sơn, vào tháng 3/2016, Cục Hải quan Lạng Sơn – Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính đã kiểm tra, phát hiện 1 số lô hàng xuất lậu 4.697 kg đồng nguyên chất, trị giá 422,730 triệu đồng.
Tại Cao Bằng, vào tháng 6/2016, Cục Hải quan Cao Bằng – Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính cũng bắt giữ 1 xe ô tô tải chở 9.700 kg quặng vonfram xuất lậu qua biên giới.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ khi thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTG đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã tham gia, phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 584 vụ, xử lý 320 vụ, tổng số tiền phạt thu được từ xử phạt vi phạm hành chính là 1,2 tỷ đồng.
Đồng thời tạm giữ, tịch thu, bán phát mại 196,3 m3 cát, 1.041 m3 khoáng sản các loại, 10 đầu vòi, 12 tàu hút cát, 4 xe ô tô…