Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao 1,2 tỷ người Trung Quốc chỉ có chung 100 họ?

(VTC News) -

Trung Quốc là một trong những quốc gia có số lượng họ ít nhất thế giới, số lượng họ đang được sử dụng không nhiều, đồng thời nhiều họ hiếm ở nước này dần biến mất.

Theo thống kê của Chính phủ, Vương, Lý, Trương, Lưu, và Trần là năm họ thường thấy nhất ở Trung Quốc khi hơn 433 triệu người, tức là khoảng 30% dân số đang dùng chung các họ này.

Với 1,37 tỷ dân, là nước có dân số lớn nhất nhất thế giới, nhưng Trung Quốc lại là một trong những nước có số lượng họ ít nhất. Theo Bộ An ninh, hiện nay chỉ có khoảng 6.000 họ đang được dùng, trong số này chỉ 100 họ đang được sử dụng phổ biến hơn cả (khoảng 86% dân số).

Thẻ căn cước điện tử được sử dụng phổ biến trong các dịch vụ đời sống hàng ngày (Nguồn: CNN)

Nói theo cách dễ hiểu hơn, theo cuộc điều tra dân số năm 2010, Hoa Kỳ - quốc gia có tổng dân số ít hơn một phần tư dân số Trung Quốc đã ghi nhận 6,3 triệu họ khác nhau. Phần lớn những họ tên này chỉ được ghi nhận 1 lần duy nhất.

Một vài lý do đã được đưa ra: Trung Quốc không có sự đa dạng chủng tộc như Hoa Kỳ. Sự đa dạng các cộng đồng dân tộc thiểu số đồng nghĩa với đa dạng về họ. Điều này cũng tương tự như trong ngôn ngữ, chúng ta không thể tùy tiện thêm một nét bất kỳ vào một từ trong tiếng Trung để sáng tạo ra một họ mới.

Tuy nhiên hiện đang tồn tại một nguyên nhân khác: Công nghệ

Cuộc cách mạng kỹ thuật số ở Trung Quốc đã và đang thay đổi cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Rất nhiều hệ thống hiện nay đang phụ thuộc vào một thư viện có giới hạn các ký tự tiếng Trung được tiêu chuẩn hóa.

ĐIều này có nghĩa rằng đối với những người dân có những ký tự lạ trong tên sẽ phải thay đổi họ sao cho thuận tiện, do tên đó không tương thích với hệ thống dữ liệu đang có, dù rằng điều này có thể dẫn đến việc từ bỏ ý nghĩa về mặt di sản và ngôn ngữ.

Một vài họ không còn được sử dụng

Theo Phó Giáo sư (PGS) Trần Gia Vỹ, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, trong lịch sử, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 20.000 họ khác nhau. Một vài nhà nghiên cứu đã ước tính con số này còn có thể lên tới 23.000.

Trong nghiên cứu thường niên về họ tên năm 2019, Bộ An ninh đã khẳng định: “Văn hóa của việc đặt họ tên đã lưu truyền ở đất nước hàng ngàn năm nay, với sức ảnh hưởng sâu rộng. Trong suốt lịch sử phát triển đất nước, họ tên đã phát triển và phân hóa, hình thành hơn 6.000 họ đang được sử dụng ngày nay”.

Cũng theo Bộ An ninh, những ghi nhận đầu tiên về họ ở Trung Quốc là vào “thời đại chữ viết lên đồng, tre và vải”. Điều này có nghĩa rằng, trước khi phát minh ra giấy viết, người dân Trung Quốc đã viết chữ vào những vật liệu thô ở thời nhà Thương và nhà Chu (1600-256 trước công nguyên).

Vào thời nhà Tống (960-1279 sau công nguyên), cuốn “Bách gia tính”, ghi lại hàng trăm họ phổ biến, đã trở thành nội dung cơ bản trong chương trình dạy cho trẻ em.

Đôi khi, người dân phải đổi tên của mình sao cho thuận tiện - đơn giản hóa các ký tự phức tạp bằng cách sử dụng những ký tự phát âm tương tự với ít nét hơn. PGS Trần cũng cho biết, họ đôi khi đổi tên vì “mê tín”, thay đổi những tên được cho là đem lại điều không may mắn.

Sự biến mất về tên họ cũng là một hiện tượng xảy ra tự nhiên, gọi là quá trình Galton-Watson, cho thấy rằng trong các xã hội phụ hệ, họ bị mất dần theo thời gian qua từng thế hệ khi phụ nữ theo họ của chồng. Ví dụ, nếu một họ tập trung ở một khu vực cụ thể và thế hệ sau không có đủ con trai thì họ đó có thể “biến mất một cách tự nhiên”.

Trung Quốc được coi là một ví dụ điển hình cho quá trình này – một phần là do lịch sử lâu đời của đất nước đã khiến nhiều tên họ biến mất theo thời gian.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết: “Người dân Trung Quốc ngày nay sử dụng ít họ hơn để đặt tên và dân số được phân thành nhiều nhóm có chung họ hơn so với người da trắng hoặc người Nhật Bản do những họ xuất hiện ở Trung Quốc sớm hơn ít nhất 3.000 năm so với ở châu Âu hoặc Nhật Bản”.

Những trở ngại trong thời đại kỹ thuật số

Những họ hiếm hoặc không phổ biến đã biến mất trong nhiều thế kỷ qua, nhưng những họ khác phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong thời đại mới.

Những năm trước, những người có ký tự hiếm trong tên của họ có thể sinh hoạt đời sống bình thường, do các tài liệu và thư từ phần lớn đều được viết tay. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ số và hệ thống thẻ căn cước quốc gia số hóa thì những họ tên này gần như không thể sử dụng dưới dạng chữ viết.

Nguyên nhân là do không phải tất cả các ký tự Trung Quốc đều được mã hóa vào hệ thống máy tính. Năm 2017, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã, chỉ có khoảng 32.000 ký tự được mã hóa trong cơ sở dữ liệu ký tự Trung Quốc, hàng chục nghìn ký tự khác còn sót lại.

Trong điều kiện kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc, gần như mọi thứ - từ đặt lịch hẹn đến mua vé tàu - đều được chuyển sang trực tuyến. Như vậy, một ai đó sẽ gặp rắc rối nếu họ có một ký tự hiếm trong tên của mình, vì ký tự đó có thể không có trong cơ sở dữ liệu. Theo Tân Hoa xã, tính đến năm 2017, có tới 60 triệu công dân Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng này.

Tân Hoa xã đưa tin, Zhong Weihua, tên của anh ban đầu có một ký tự hiếm, không được mã hóa trong các hệ thống kỹ thuật số và thư viện phông chữ - điều này khiến anh không thể mở tài khoản ngân hàng trực tuyến, đăng ký gói điện thoại, sử dụng thanh toán trực tuyến hoặc hoàn thành các công việc hàng ngày khác.

Thẻ căn cước  điện tử của Trung Quốc khiến vấn đề này trở nên cấp bách hơn. Thay vì có thể viết tay tên họ như thế hệ đầu tiên, thế hệ thứ hai, ra mắt vào năm 2004 và được mệnh danh là "thẻ thông minh" với các tính năng số, được thiết kế riêng cho văn bản trên máy tính.

Ma Cheng, Bắc Kinh, là một trong những người không thể nhận thẻ căn cước diện tử do ký tự hiếm trong họ của cô. Thẻ căn cước thế hệ đầu tiên đã hết hạn - nhưng các quan chức từ chối cấp cho cô ấy thẻ căn cước đời mới vì ký tự này không có trong cơ sở dữ liệu máy tính của chính phủ. Họ khuyên cô nên đổi tên. Nhưng Ma Cheng không muốn làm như vậy vì điều này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa chứng minh thư và các giấy tờ khác như bằng tốt nghiệp đại học.

Làm sao để chuẩn hóa một ngôn ngữ?

Một yếu tố khác khiến số lượng họ tiếp tục giảm là do những nỗ lực của chính phủ trong việc chuẩn hóa và điều chỉnh ngôn ngữ.

Nhiều phương ngữ khác nhau của tiếng Quan Thoại đang được sử dụng, nhưng đôi khi, các vùng không thể hiểu được ngôn ngữ của nhau do sự khác biệt quá lớn. Sau này, vào năm 2000, tiếng phổ thông chuẩn gốc Bắc Kinh được tuyên bố là ngôn ngữ chính thức dùng để nói và viết.

Tuy nhiên ở thời điểm đó, tiếng Quan thoại viết tay không được tiêu chuẩn hóa rõ ràng, vẫn còn tồn tại những khác biệt về khu vực địa lý và dân số. Về sau, Bảng ký tự tiếng Trung phổ thông ra đời, được xuất bản vào năm 2013 và được Hội đồng Nhà nước ca ngợi là "bước khởi đầu mới" trong việc chuẩn hóa tiếng Trung.

Bảng ký tự này bao gồm hơn 8.000 ký tự, một phần nhỏ trong tổng số ký tự đang có. Bảng ký tự đã được triển khai trên toàn xã hội trong giáo dục và giảng dạy, báo chí và xuất bản, xử lý thông tin, hệ thống phông chữ, sách tham khảo tiếng Trung, v.v. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc sự lựa chọn tên của người dân sẽ bị hạn chế hơn do số lượng ký tự bị giới hạn.

Sau khi bảng ký tự này được phát hành, nhiều người dân vẫn phải đổi tên do không có ký tự tương thích trong hệ thống dữ liệu của Chính phủ.

Dù các chuyên gia đã tăng cơ sở dữ liệu từ 32.000 ký tự lên 70.000 ký tự, hoặc thậm chí lên tới hơn 90.000 ký tự trong tương lai, giới chức Trung Quốc cũng thừa nhận rằng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Đôi khi, ngay cả khi các ký tự hiếm có trong bảng ký tự này, chúng vẫn không được hỗ trợ bởi thư viện phông chữ, hệ điều hành, hay các hệ thống thông tin tùy chỉnh khác.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng ở vấn đề bất tiện. Họ là một phần làm nên đặc trưng của mỗi người, có liên quan mật thiết tới gốc gác và thể hiện mối liên hệ trực tiếp với tổ tiên. Thay đổi họ đồng nghĩa với việc xóa đi một phần lịch sử gia đình.

Cái giá phải trả của việc thích nghi trong thời đại mới đã được minh chứng tại một ngôi làng phía đông tỉnh Sơn Đông vào cuối những năm 2000. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, nhiều người dân trong làng có chung họ từ tổ tiên là "Shan" - nhưng đến khi xin thẻ căn cước số hóa, các quan chức địa phương khuyên họ nên đổi họ của mình thành "Xian", một ký tự nghe tương tự nhưng phổ biến hơn. Cuối cùng, hơn 200 dân làng buộc phải thay đổi họ của họ - một câu chuyện đáng buồn với rất người dân trong làng.

Một người dân trong làng cho biết: "Chúng tôi không muốn thay đổi họ mà tổ tiên đã đặt cho chúng tôi". "Thế hệ của chúng tôi vẫn biết họ gốc của chúng tôi là gì, nhưng thế hệ con cái đã phải thay đổi tên của chúng ngay từ khi còn nhỏ, và trong một vài năm nữa chúng sẽ quên đi cội nguồn của mình”.

Nguyễn Ngọc

Tin mới