Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vi phẫu thành công nối đầu đốt ngón tay bị đứt rời

(VTC News) - Khoa Phẫu thuật Bàn tay của Bệnh viện FV thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu nối đầu đốt xa của ngón tay bị đứt rời.

(VTC News) - Khoa Phẫu thuật Bàn tay của Bệnh viện FV thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu nối đầu đốt xa của ngón tay bị đứt rời.

Khoa Phẫu thuật Bàn tay của Bệnh viện FV vừa thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu nối liền đầu đốt xa của ngón tay bị đứt lìa cho bệnh nhân Leonard Arthur Tankard, 56 tuổi, một kỹ sư dầu khí người Anh hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam.

 Đầu ngón tay bị đứt rời.
Do một tai nạn trên giàn khoan, bệnh nhân bị vật nặng dập đứt lìa 1/3 đốt đầu của ngón giữa bàn tay trái. Phần đứt lìa bao gồm cả móng tay và chỏm xương của đốt. Khi đến Bệnh viện FV, phần ngón đứt của bệnh nhân, tuy được bảo quản lạnh, đã trắng bệch vì trải qua hơn ba tiếng không được máu nuôi.

Sau khi thực hiện các kiểm tra cần thiết, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh – khoa Phẫu thuật Bàn tay của Bệnh viện FV, đã lập tức tiến hành nối ngón tay cho bệnh nhân bằng kỹ thuật vi phẫu. Ca phẫu thuật diễn ra gần 3 giờ đồng hồ và thành công tốt đẹp.

Chia sẻ về ca phẫu thuật này, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết: “Với các tai nạn đứt lìa đốt đầu ngón tay, giải pháp thường thấy là tháo khớp khâu mỏm cụt hoặc dùng vạt da tại chỗ ghép lên để che móng cụt. Tuy giải pháp này giúp hạn chế cắt ngắn ngón nhưng ngón tay của bệnh nhân vẫn bị mất phần đầu ngón, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, chức năng sinh hoạt, công việc và giao tiếp xã hội của họ. Vì vậy, với ca phẫu thuật này, tôi đã cố gắng nối hoàn chỉnh ngón tay cho ông Tankard”.

Theo bác sĩ Xuân Anh, đây là một ca phẫu thuật rất khó vì thứ nhất, phần tổn thương nằm ngay đầu đốt ngón tay – bao gồm cả xương và móng, vốn là nơi chứa những mao mạch rất nhỏ và rất khó nối.

Nếu chỉ khâu dính lại mà không khâu nối mạch máu, chắc chắn phần đứt lìa sẽ bị hoại tử. Vì vậy, trường hợp của ông Tankard cần phải khâu nối vi phẫu để nối mạch máu, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao.

Thứ hai, ngón tay của bệnh nhân bị dập đứt lìa chứ không phải bị cắt bởi vật sắc nhọn nên rất nhiều mạch máu bị hỏng. “Tôi phải kiên nhẫn dò tìm từng mạch máu một để xem mạch máu nào còn có thể dùng được, cấu trúc thần kinh nào có thể khâu nối được. Đôi khi, tìm được mạch máu tương đối lớn, chưa kịp mừng thì đã phát hiện nó hỏng, đành phải tìm mạch máu nhỏ hơn để khâu bắt chéo qua”, bác sĩ Xuân Anh kể lại.

Sau khi khâu mạch máu hoàn tất, lại nảy sinh một vấn đề khác. Do vết thương bị dập quá lâu nên dù đã được nối thành công, mạch máu vẫn trong tình trạng co thắt nên máu không thể lưu thông đến đầu ngón.

Lúc này, bác sĩ Xuân Anh phải dùng các kỹ thuật làm ấm mạch máu để mạch máu co giãn và đưa máu lên nuôi phần ngón tay vừa được nối. Sau hơn nửa tiếng, mạch máu mới lưu thông bình thường trở lại và phần bị đứt lìa trước đó trở nên hồng hào hơn. “Sau khi máu đã lưu thông, tôi bắt đầu nối các cấu trúc thần kinh và xuyên một cây đinh nhỏ để kết hợp xương. Một tháng sau phẫu thuật, khi ngón tay của bệnh nhân đã lành lặn hoàn toàn, cây đinh sẽ được rút ra”, bác sĩ Xuân Anh cho biết.

Bàn tay đã được nối đầu ngón tay.
Sau hai tuần chăm sóc vết thương tại Bệnh viện FV, ngày 09/04/2012 vừa qua, ông Leonard Arthur Tankard đã xuất viện ra về với ngón tay được nối liền thành công.

Ông tâm sự: “Đây thật sự là một ca phẫu thuật kỳ tích. Còn nhớ ngay sau khi ngón tay tôi bị đứt lìa, một bác sĩ người nước ngoài trên giàn khoan đã dự đoán tôi phải khâu mỏm cụt chứ không thể nào nối lại. Nhưng bác sĩ Nguyễn Xuân Anh của Bệnh viện FV đã làm được”.

Được biết, cách đây khoảng hai năm, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cũng từng dùng kỹ thuật vi phẫu nối ngón tay thành công cho ông Peter Buerke, một bệnh nhân người Thụy Sĩ. Tai nạn của ông Buerke khá hy hữu.

Trong một chuyến đi picnic tại Châu Đốc, khi đu người xuống khỏi xe tải, một chiếc đinh vít nhỏ đã móc vào nhẫn cưới của ông và lôi tuột chiếc nhẫn đi. Lực tác động này khiến chiếc nhẫn trở thành một lưỡi dao bén ngót cắt đứt rời ngón áp út. Hơn năm tiếng sau, ông Buerke mới được đưa đến Bệnh viện FV cấp cứu.

Ca phẫu thuật cho ông Buerke do bác sĩ Xuân Anh thực hiện kéo dài hơn chín tiếng và là một ca phẫu thuật rất phức tạp. Vì ngón tay bị tuốt bởi chiếc nhẫn nên phần bị đứt khá dài và bác sĩ Xuân Anh không chỉ nối ghép mạch máu, cấu trúc thần kinh mà cả xương và gân. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của ông Buerke hồi phục rất tốt và nay ông đã có thể sử dụng ngón tay từng bị đứt lìa của mình một cách bình thường như trước khi tai nạn xảy ra.

Nguyễn Tâm

Nguồn:

Tin mới