Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vi mạch phương Tây đang tiếp thêm sức mạnh cho vũ khí Nga

Vi mạch phương Tây, thành phần quan trọng trong nhiều công nghệ tiên tiến, vẫn đang chảy vào Nga và tiếp thêm sức mạnh cho kho vũ khí quân sự của Moskva.

Vi mạch do phương Tây sản xuất, thành phần không thể thiếu trong máy tính xách tay hay điện thoại thông minh vẫn tìm được đường vào Nga và được sử dụng trong các vũ khí, khí tài quân sự của nước này.

Theo các dữ liệu thương mại do CNBC phân tích, Moscow đã tìm nguồn cung ứng chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác của phương Tây thông qua các quốc gia trung gian như Trung Quốc.

Vi mạch phương Tây đang tiếp thêm sức mạnh cho vũ khí Nga. Ảnh: CNBCNăm 2022, Nga nhập khẩu công nghệ bán dẫn trị giá 2,5 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 1,8 tỷ USD trong năm 2021.

Vi mạch phương Tây đang tiếp thêm sức mạnh cho vũ khí Nga. (Ảnh: CNBC)

Chất bán dẫn và vi mạch đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại, khi có mặt trong các bộ phận của máy bay không người lái (UAV), radio, tên lửa và xe bọc thép…

Viện KSE - một trung tâm phân tích tại Trường Kinh tế Kiev - gần đây đã phân tích 58 thiết bị quân sự quan trọng của Nga thu được từ chiến trường Ukraine và tìm thấy hơn 1.000 linh kiện nước ngoài, chủ yếu là công nghệ bán dẫn của phương Tây.

 Nhiều thành phần trong số này nằm trong danh sách bị kiểm soát xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho hay, các tuyến đường thương mại phức tạp qua Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một số nước khác cho thấy các công nghệ tiến tiến của phương Tây vẫn đang chảy vào Nga.

Bà Elina Ribakova, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đồng thời là một trong những tác giả bản báo cáo của Viện KSE, cho biết: “Nga vẫn có thể nhập khẩu tất cả các linh kiện quan trọng do phương Tây sản xuất để phục vụ cho quân đội”.

Đan xen trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Không phải tất cả các công nghệ tiên tiến đều phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Nhiều mặt hàng vốn là hàng hóa lưỡng dụng, nghĩa là chúng có thể được sử dụng cả trong dân sự và quân sự, do đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát xuất khẩu có mục đích. Ví dụ, cùng một loại vi mạch có thể được sử dụng trong cả máy giặt và UAV.

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm trong số này có nguồn gốc từ các quốc gia phương Tây áp đặt lệnh cấm vận thương mại sâu rộng đối với Nga, đặc biệt là quân đội của Moscow. Quân đội Nga bị cấm tiếp cận với tất cả các mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ ngoại trừ thực phẩm và thuốc men.

Theo nghiên cứu của KSE, hơn 2/3 số thành phần nước ngoài xác định được trong thiết bị quân sự của Nga có nguồn gốc từ các công ty có trụ sở chính tại Mỹ, một số khác đến từ các đồng minh Ukraine bao gồm Nhật Bản và Đức.

CNBC không thể xác minh liệu các công ty liên quan có biết điểm đến cuối cùng của hàng hóa của họ hay không. Chính quyền Thụy Sĩ cho biết họ đang làm việc với các công ty về vấn đề này, trong một số quốc gia khác hiện chưa bình luận.

Một nghiên cứu của Viện RUSI của Anh cho thấy quân đội Nga sử dụng hơn 450 loại linh kiện khác nhau do nước ngoài sản xuất trong 27 hệ thống quân sự hiện đại nhất, bao gồm tên lửa hành trình, hệ thống liên lạc và tổ hợp tác chiến điện tử. Nhiều bộ phận trong số này do các công ty nổi tiếng của Mỹ chuyên tạo ra các thiết bị vi điện tử cho quân đội Mỹ, sản xuất.

“Qua nhiều thập kỷ, các công nghệ và hệ thống công nghệ cao của Mỹ và phương Tây đã tiên tiến hơn, trở thành tiêu chuẩn công nghiệp và toàn cầu. Vì vậy, quân đội Nga, cũng như nền kinh tế của nước này, cũng phần nào phụ thuộc vào công nghệ phương Tây”, ông Sam Bendett, cố vấn tại Trung tâm Phân tích Hải quân, cho biết.

Tính phổ biến và ứng dụng rộng rãi của các công nghệ như vậy khiến chúng trở nên đan xen trong chuỗi cung ứng toàn cầu và do đó khó kiểm soát hơn.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt đối với Nga phần lớn chỉ giới hạn ở các đồng minh phương Tây của Ukraine, có nghĩa là nhiều quốc gia vẫn tiếp tục giao dịch thương mại với Nga.

“Thật khó để ngăn chặn các thiết bị vi điện tử dân sự vượt qua các đường biên giới và hòa vào dòng chảy thương mại toàn cầu. Đây là điều mà ngành công nghiệp Nga, quân đội Nga và các cơ quan tình báo của họ đang tận dụng”, ông Bendett nói.

Các tuyến đường trung gian phức tạp

Các dòng thương mại thường rất hỗn độn. Thông thường, một lô hàng có thể được mua đi bán lại nhiều lần, thông qua các doanh nghiệp hợp pháp, trước khi đến một quốc gia trung gian rồi từ đây lô hàng đó có thể được bán cho Nga.

Dữ liệu cho thấy Trung Quốc cho đến nay là nhà xuất khẩu lớn nhất sang Nga về vi mạch và công nghệ khác được tìm thấy trong các khí tài quan trọng trên chiến trường.

Người bán từ Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, chiếm hơn 87% tổng lượng nhập khẩu chất bán dẫn của Nga trong quý IV/2022, so với 33% trong quý IV/2021. Hơn một nửa (55%) trong số hàng hóa đó không được sản xuất tại Trung Quốc mà được sản xuất ở nơi khác và vận chuyển đến Nga thông qua các trung gian có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong.

Bà Olena Yurchenko, cố vấn tại Hội đồng An ninh Kinh tế của Ukraine, cho biết: “Đây không phải là điều ngạc nhiên vì Trung Quốc đang tìm kiếm lợi ích từ thực tế Nga bị phương Tây cô lập về kinh tế”.

Các dữ liệu thương mại cũng cho thấy, Moscow cũng đã tăng nhập khẩu từ các quốc gia được coi là bên trung gian ở Caucasus, Trung Á và Trung Đông.

Chẳng hạn, xuất khẩu sang Nga từ Gruzia, Armenia và Kyrgyzstan đã tăng mạnh vào năm 2022, trong đó các loại phương tiện, máy bay và tàu chiếm một phần đáng kể. Đồng thời, xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh sang các quốc gia được gọi là trung gian này cũng tăng, trong khi thương mại trực tiếp với Nga sụt giảm.

“Rất nhiều quốc gia trong số này thực sự không thể cắt đứt một số hoạt động thương mại nhất định với Nga, đặc biệt là những quốc gia có chung biên giới với Nga, chẳng hạn như Gruzia, cũng như các quốc gia ở Trung Á vốn vẫn duy trì có cán cân thương mại rất đáng kể với Liên bang Nga”, ông Bendett nói.

Sự bất lực của phương Tây

Các dòng chảy thương mại đang phát triển nhanh chóng khiến phương Tây tìm cách lôi kéo nhiều quốc gia hơn tham gia trừng phạt, hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với một số thực thể hoạt động tại các quốc gia đó nhằm kìm hãm sức mạnh quân sự của Nga.

Tháng 6/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một gói biện pháp trừng phạt mới bao gồm một công cụ chống lách luật nhằm hạn chế việc “bán, cung cấp, chuyển nhượng hoặc xuất khẩu” các hàng hóa và công nghệ bị trừng phạt cụ thể cho một số nước thứ ba đóng vai trò trung gian cho Nga.

Gói này cũng bổ sung 87 công ty mới ở các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Armenia vào danh sách những công ty hỗ trợ trực tiếp cho quân đội Nga. Theo đó, các công ty này sẽ hạn chế xuất khẩu 15 mặt hàng công nghệ phát hiện trong thiết bị quân sự của Nga ở Ukraine.

“Chúng tôi không trừng phạt các quốc gia này. Những gì chúng tôi đang làm là ngăn chặn một số sản phẩm đã bị trừng phạt đến được Nga thông qua các nước thứ ba”, Người phát ngôn EU Daniel Ferrie cho biết.

Tuy nhiên, một số người hoài nghi liệu các biện pháp này có đủ hiệu quả hay không, đặc biệt là khi nói đến các đối tác thương mại lớn trên toàn cầu.

“Các biện pháp trừng phạt có thể hiệu quả chống lại một số nước chẳng hạn như Armenia hoặc Gruzia, vốn không phải là đối tác thương mại lớn của EU hay Mỹ. Nhưng khi nói đến Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, đó là kịch bản rất khó xảy ra”, bà Yurchenko, thuộc Hội đồng An ninh Kinh tế Ukraine, nhận định.

Một số người cho rằng trách nhiệm cuối cùng thuộc về các công ty và họ cần phải làm nhiều hơn nữa để giám sát chuỗi cung ứng của mình, tránh để hàng hóa của họ rơi vào tay Nga.

“Bản thân các công ty nên có cơ sở hạ tầng để có thể theo dõi chuỗi cung ứng hàng hóa của mình và tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu”, bà Ribakova nói.

Hoàng Phạm (VOV.VN/CNBC)

Tin mới