Nguyên nhân khiến hơn 300 học sinh ngộ độc được xác định là do vi khuẩn tụ cầu vàng, có trong món ruốc gà.
Kết quả từ Viện Kiểm nghiệm Quốc gia phát hiện độc tố của vi khuẩn tụ cầu vàng ở cả thực phẩm sống và thực phẩm chín của món ruốc gà, trong bữa trưa 5/10, ở trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.
Nguồn lây nhiễm tụ cầu vàng có thể do dụng cụ nấu nướng, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh hay do quá trình lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm kém chất lượng.
Món ruốc gà trong bữa trưa 5/10 ở trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng có chứa độc tố khuẩn tụ cầu vàng.
Khuẩn tụ cầu vàng vốn được biết đến là thủ phạm của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nguy hiểm. Khuẩn tụ cầu vàng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc thực phẩm.
Chủng vi khuẩn quen thuộc này có thể sinh sôi và phát triển ở nhiều nơi, nhiều điều kiện khác nhau trong tự nhiên, cũng như trên cơ thể người. Loại vi khuẩn tụ cầu vàng thường có trong các loại thực phẩm như thịt, gia cầm, các loại đồ hộp, dụng cụ chế biến - bảo quản thực phẩm...
Nguồn lây chính là do vệ sinh kém trong quá trình chế biến hay bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, có thể lây chéo từ các thực phẩm hết hạn sử dụng, hay từ các vết lở loét trên cơ thể người chế biến vào thực phẩm.
Vi khuẩn tụ cầu có 3 loại là: Tụ cầu vàng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh. Trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng (Saureus) là loại gây nhiều bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt gây nhiều bệnh cấp tính nặng và có thể mất mạng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Tụ cầu vàng kháng lại nhiều loại kháng sinh thông dụng, đặc biệt kháng lại kháng sinh methicilin.
Trên cơ thể người, tụ cầu vàng gây ra các tổn thương ngoài da như chốc lở, viêm nang lông, các loại mụn nhọt, loét da. Thậm chí, có khi tạo nên các ổ áp-xe nằm ngay dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề sung huyết làm đỏ cả một vùng da.
Video: 170 học sinh ngộ độc tập thể, có thể do thịt băm ôi thiu
Những bệnh do tụ cầu gây nên ở da có thể là do môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, nhưng cũng có thể là do nội sinh (vi khuẩn tụ cầu có ngay trên cơ thể, khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng phát triển gây bệnh).
Khi nhiễm vào máu, tụ cầu cũng có thể gây nên các bệnh nặng như áp xe phổi, viêm tủy xương, viêm nội tâm mạc hoặc gây viêm màng não mủ... Bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và cũng có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết.
Hầu hết, các ca bệnh do tụ cầu vàng gây ra đều rất nguy hiểm, có triệu chứng lâm sàng phức tạp, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến chết người.