Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vi khuẩn Salmonella lây qua đường nào?

(VTC News) -

Salmonella dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau và có thể gây ngộ độc hàng loạt.

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, Salmanella thường lây trong quá trình bảo quản thực phẩm. Mua thực phẩm về không cho vào tủ lạnh cấp đông ngay sẽ dễ dàng bị vi khuẩn xâm nhập. 

Ban đầu vi khuẩn xâm nhập trong diện tích nhỏ, lây lan dần dần và sinh ra các độc tố ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng.  Salmanella còn lây lan trong quá trình chế biến, nếu tay nhiễm khuẩn sẽ tạo ra chuỗi lây từ thực phẩm này sang thực phẩm khác.

Người dùng không thể nhận biết được Salmanella vì chúng không gây mốc, mùi hôi, nhớt như các loại vi khuẩn gây ngộ độc khác. Do đó, người tiêu dùng khó mà nhận biết thực phẩm phẩm nào nhiễm Salmonella để bỏ đi. Tảng thịt lớn, khối thịt bếp ăn tập thể là môi trường màu mỡ để vi khuẩn này sinh sôi phát triển nhưng người chế biến không nhận biết được.

Chuyên gia khuyên các gia đình cần bảo quản thực phẩm thật tốt, cấp đông sau 2 tiếng mua thực phẩm về, không nên để thực phẩm ở môi trường nhiệt độ thường quá lâu. 

Học sinh ở Nha Trang bị ngộ độc phải cấp cứu do nhiễm Salmonella.

Ths.Bs Châu Tố Uyên - khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, Salmonella gây ngộ độc khi tiếp xúc với thực phẩm chứa chúng từ 1 đến 3 ngày. Các thực phẩm dễ chứa Salmonella là thịt, gia cầm, sữa hoặc lòng đỏ trứng sống.... Chúng có thể lây qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm. 

Dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp như ói mửa, buồn nôn, tiêu chảy ra nước hoặc có máu, đau bụng, sốt.

Theo bác sĩ Uyên, biến chứng nghiêm trọng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là mất nước. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi, người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh mãn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Trong trường hợp đó, bệnh nhân phải nhập viện truyền dịch.

Để phòng ngừa, bác sĩ Uyên khuyến cáo mỗi người nên thường xuyên rửa tay, dụng cụ và thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tách biệt thực phẩm sống với thực phẩm ăn liền. Khi mua sắm, chuẩn bị thực phẩm hoặc cất giữ thực phẩm, bạn hãy để thịt sống, thịt gia cầm, cá và động vật có vỏ cách xa các thực phẩm khác. Điều này ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

Bạn cùng cần uống nước đun sôi, ăn thực phẩm nấu chín, bởi các sinh vật có hại trong thực phẩm hầu hết bị tiêu diệt khi nấu chín. Bên cạnh đó, bạn phải làm lạnh hoặc đông lạnh thực phẩm dễ hỏng trong vòng hai giờ sau khi mua hoặc chuẩn bị. Nếu nhiệt độ phòng trên 32,2 độ C hãy bảo quản thực phẩm dễ hỏng trong vòng một giờ. 

Ngọc Hà

Tin mới