Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vị hoàng đế lỡ miệng chê ái phi già, bị nàng lấy chăn đè chết ngạt là ai?

(VTC News) -

Trong lịch sử Trung Quốc, hiếm vị hoàng đế nào có cái chết “lãng xẹt” như ông: Chỉ vì lỡ miệng chê sủng phi của mình già mà bị nàng cho nô tỳ lấy chăn đè chết ngạt.

Vị vua này là Tấn Hiếu Vũ Đế thuộc vương triều Đông Tấn của Trung Quốc, sống vào thế kỷ thứ 4. Ông tên thật là Tư Mã Diệu, hậu duệ của Tư Mã Ý – nhân vật lẫy lừng trong Tam quốc diễn nghĩa. Cháu nội Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm đoạt ngôi từ nhà Ngụy (con cháu Tào Tháo) lên làm hoàng đế, lập ra nhà Tấn.

Tấn Hiếu Vũ Đế là vị vua thứ 14 của nhà Tấn, sinh năm 362 và mất năm 396 khi 34 tuổi.

Chết vì chê ái phi già

Các hoàng đế Trung Quốc ở địa vị tối cao, cuộc sống khác người, luôn liên quan, dính dáng đến các âm mưu, tội ác do tranh quyền đoạt vị nên cái chết của họ cũng có nhiều nguyên nhân đặc biệt, không giống người thường: Chết trận, chết vì bị ám sát, bị trúng độc, chết vì hoang dâm vô độ, chết yểu vì bẩm sinh nhiều bệnh tật do cuộc sống “cớm nắng” chốn cung đình… Nhưng chết oan uổng, lãng xẹt chỉ vì lỡ miệng bình phẩm nhan sắc của người đầu gối tay ấp với mình thì chỉ có Tấn Hiếu Vũ Đế.

Tấn Hiếu Vũ Đế lên ngôi lúc mới 10 tuổi. Ba năm sau, khi mới 13 tuổi, ông cưới cô gái 16 tuổi Vương Pháp Huệ, con gái một đại thần, lập làm hoàng hậu. Nhưng chỉ 5 năm sau, Vương Pháp Huệ qua đời, kể từ đó Tấn Hiếu Vũ Đế không lập thêm hoàng hậu nào khác. Những người phụ nữ sống với ông đều chỉ là phi thiếp, và người gây nên cái chết bất thường của ông là Trương Quý nhân.

(Ảnh minh họa)

Thời gian cuối đời, Tấn Hiếu Vũ Đế dành quá nhiều thời gian cho tửu sắc, đến mức không thường xuyên gặp các quan lại để bàn việc nước. Mỹ nhân mà ông sủng ái nhất là Trương quý nhân. Một ngày tháng 9 (âm lịch) năm 396, trong bữa tiệc linh đình, Tấn Hiếu Vũ Đế rượu say nói với Trương Quý Nhân, khi đó gần 30 tuổi, rằng: "Dựa trên tuổi của nàng, nàng nên nhường lại vị trí của mình. Trẫm cần một ai đó trẻ hơn".

Cũng có giai thoại kể rằng nhà vua ngà ngà say nên một mực ép Trương Quý nhân uống rượu dù nàng tửu lượng rất kém. Người đẹp bướng bỉnh dứt khoát từ chối, thậm chí mạnh miệng nói muốn phạt gì nàng cũng chịu. Hoàng đế bực mình nói: “Nàng năm nay gần 30 tuổi, nhan sắc không còn như xưa, lại không sinh được con cho trẫm, phí cả phong hiệu quý nhân, ngày mai trẫm sẽ phế nàng tuyển người mới”. Sau đó, ông tiếp tục mải mê uống rượu say mềm mà không biết rằng mình không còn cơ hội hưởng thụ bữa tiệc nào khác.

Không biết vì giận dữ, cảm thấy bị xúc phạm hay lo sợ bị phế bỏ mà Trương Quý nhân quyết ra tay sát hại hoàng đế ngay đêm hôm đó. Vì Tấn Hiếu Vũ Đế say rượu bí tỉ nên nàng – một sủng phi – đường đường chính chính ở bên chăm sóc. Nàng ra lệnh cho các hoạn quan rời đi, ban rượu cho họ uống, rồi bảo nữ tỳ của mình dùng tấm chăn đè chặt lên mặt vua để làm ông ngạt thở. Sau đó, Trương Quý nhân hối hộ những người xung quanh và tuyên bố hoàng đế uống rượu say nên bị bóng đè mà băng hà trong giấc ngủ, hưởng dương 34 năm.

Sử sách không nói rõ sau đó số phận của Trương Quý nhân ra sao.

Con cái đều bị giết

Tấn Hiếu Vũ Đế là vị hoàng đế nhà Tấn cuối cùng thật sự cai trị đế quốc. Các con trai nối ngôi ông đều chỉ là bù nhìn, quyền hành nằm trong tay những đại thần nhiếp chính và quân phiệt.

Người lên ngôi sau khi ông chết là Thái tử Tư Mã Đức Tông, 8 tuổi, tức Tấn An Đế, một người thiểu năng trí tuệ. Ngay cả khi lớn lên, Tấn An Đế vẫn được mô tả là không thể nói chuyện hay tự mặc y phục, thậm chí không thể cho biết mình đói hay no. Quyền lực trên thực tế nằm trong tay người chú ruột là Tư Mã Đạo Tử, tiếp đến là người em họ Tư Mã Nguyên Hiển và sau cùng là quân phiệt Lưu Dụ.

Lưu Dụ nhiều lần lập mưu đầu độc An Đế nhưng do em trai vua là Tư Mã Đức Văn luôn ở cùng nên không thực hiện được. Năm 419, nhân cơ hội người em này bị ốm, phải về phủ của mình, sát thủ của Lưu Dụ bện quần áo vào một sợi dây thừng rồi dùng nó để siết cổ An Đế. Ông chết ở tuổi 37, không có con cái.

Sau đó, Lưu Dụ lập em trai An Đế là Tư Mã Đức Văn, lúc đó 33 tuổi, lên làm vua, tức Tấn Cung Đế. Tuy nhiên chỉ một năm sau, Lưu Dụ ép Tư Mã Đức Văn nhường ngôi, lên làm vua (tức Tống Vũ Đế), lập ra triều Lưu Tống.

Cho rằng sự tồn tại của Tư Mã Đức Văn là mối đe dọa đối với ngôi vị của mình nên Lưu Dụ đã giết ông ta. Vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tấn chết ở tuổi 35.

Trần Lâm

Tin mới