Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vén màn mánh khóe xảo quyệt sau chuyện thương lái ép giá ở thủ phủ cua Cà Mau

(VTC News) -

Trong gần 5 tháng thâm nhập quy trình xuất khẩu cua Cà Mau, chúng tôi giật mình với những sự thật và mánh khóe đáng ngờ.

Từ trước đến nay, cua Cà Mau luôn đứng đầu danh sách cua ngon mọi miền vì chắc thịt, vị ngọt đậm và hàm lượng dinh dưỡng cao bởi được nuôi trong điều kiện tự nhiên đặc thù, với hình thức quảng canh hệ sinh thái mặn lợ, không phải vùng nào cũng có.

Cũng vì lẽ này, cua Cà Mau trở thành mặt hàng thủy sản ưa thích của nhiều thị trường trong và ngoài nước. Trung bình mỗi ngày, hàng chục tấn cua từ miền Tây, trong đó chủ yếu là thủ phủ cua Cà Mau, được xuất khẩu. Có giai đoạn cao điểm, mỗi ngày từ 50 đến 80 tấn cua được mang qua biên giới.

Thế nhưng, đằng sau con số “khủng” này, lợi nhuận có thật sự thuộc về người nuôi cua?

 

Sau nhiều ngày vào vai thương lái thu mua cua, chúng tôi lần được địa chỉ các điểm chuyên tập kết cua xuất khẩu tại Cà Mau.

Dù vào vai khá kỹ lưỡng, chịu chi những khoản tiền lớn và đề nghị hợp tác lâu dài, song chúng tôi vẫn khó tìm được nguồn hàng. Tại Cà Mau, khoảng 80% sản lượng cua đều vào tay các thương lái chuyên gom cua xuất khẩu ngay từ lúc còn ở vuông, đầm.

“Không có hàng đâu em, mấy nay gom được nhiêu là đẩy cho lái xuất đi hết, họ đặt hàng từ lâu rồi”, đó là câu trả lời của bà D., chủ một vựa cua có tiếng ở huyện Năm Căn khi chúng tôi ngỏ ý hợp tác.

Mở điện thoại, cho chúng tôi xem một nhóm trò chuyện bằng tin nhắn, ông V. (chủ 3 vựa cua tại Cà Mau) nói đây là cách mà ông giữ liên lạc với đầu mối mua cua.

 

Theo ông V., khoảng 7h mỗi ngày, phía mua cua sẽ nhắn giá vào nhóm trò chuyện. Từng loại cua đều được ra giá cụ thể, có những thời điểm, giá cua thay đổi chóng mặt theo từng ngày.

Sau khi nhận giá từ đầu mối, các chủ vựa sẽ nhắn cho các thương lái chuyên gom lẻ của người dân.

Đó cũng là lý do mà nhiều người dân nuôi cua trả lời chúng tôi rằng: “Giá nhiêu sao mà biết được, mai mua thì mai sớm mới biết giá”, khi được hỏi: “Ngày mai lấy 10 kg cua thì giá bao nhiêu?”.

Chính họ, những người nuôi trồng đang không thể làm chủ được giá sản phẩm của mình.

Thông tin này được ông C., thương lái chuyên gom cua lẻ tại huyện Năm Căn xác nhận: “Giá thay đổi mỗi ngày mà, người ta ra giá nào phải bán giá đó. Như tui đây cũng chỉ là trung gian thôi, nhận giá rồi đi báo lại cho người dân để họ biết, họ tính cho lẹ khi nhập hàng cho tui thôi”.

 

Nói xong, ông C. không quên mở cho chúng tôi xem những đoạn tin nhắn được chủ các vựa cua gửi đến cho ông vào 8h mỗi ngày. Nội dung từ các đoạn tin nhắn cho thấy, giá cua thay đổi mỗi ngày, chênh lệch bình quân từ 5.000 - 20.000 đồng/kg.

Không đơn giản chỉ dăm bảy loại cua như những người sành ăn vẫn biết, báo giá này được thông báo chi tiết, cụ thể với gần 20 loại cua.

Theo ông C., nhiều thời điểm cua bị đầu mối ép giá quá thấp, cả dân nuôi cua và thương lái đều bức xúc, nhưng rồi vẫn phải ngậm ngùi xuất đi.

“Có mấy đợt trước người ta cho giá thấp lắm, trúng mùa cua ít nữa, tui còn bức xúc dùm mấy hộ nuôi. Nhưng rồi cũng phải chịu thôi, vì cả tỉnh nuôi mà chỗ nhập thì quay đi quay lại chỉ nhiêu đó à. Giá họ cầm mà, họ ra bao nhiêu thì mình phải theo thôi, trước đến nay thế rồi, có thay đổi được đâu”, ông C cho hay.

 

Một thực tế đáng buồn đang diễn ra ở thủ phủ cua Cà Mau từ nhiều năm nay, đó là cua dù nhiều, nhưng đầu mối xuất đi lại ít. Cũng vì lẽ này, người dân phải phụ thuộc hoàn toàn vào các đầu mối chuyên xuất cua, và lẽ dĩ nhiên, giá cả do bên mua quyết.

Trong hơn 8 năm làm thương lái, với đầu mối xuất cua chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay, ông C. thừa nhận với chúng tôi: “Nhìn vậy thôi chứ không hề có tính cạnh tranh, mà không có tính cạnh tranh thì dân nuôi cua thiệt”.

 

Theo lời của ông C., nhiều năm về trước, từng có không ít thương lái Trung Quốc vào tận Cà Mau để gom cua. Họ thu mua giá cao, trả tiền đúng hẹn, thời điểm đó dân rất phấn khởi. Thế nhưng, cũng chính sự kiện đó đã để lại bài học nhớ đời cho người dân Cà Mau.

“Mấy người đó qua đây kiểu rất hào phóng, làm ăn rất dễ chịu. Họ gom lượng lớn lắm, mấy chục tấn đổ lên không. Ai cũng tưởng vậy là ngon, thế mà được mấy chuyến đầu thôi, sau thì có vựa bị lừa cả chục tỷ”, ông C. kể.

“Nói có sách, mách có chứng”, ông C. rà người tên H. trong danh bạ điện thoại đưa chúng tôi xem và cho biết, ông H. là nạn nhân mất gần 10 tỷ đồng trong vụ việc nói trên.

Kịch bản ngày đó của những tay lừa đảo là chịu “nhả mồi” ngon. Ban đầu, họ về tận Cà Mau, thu mua cua giá rất cao, đặt cọc trước mỗi chuyến 100 triệu đồng. Khi cua qua đến, nhận được hàng và kiểm tra đạt yêu cầu, họ lập tức thanh toán số tiền còn lại.

Những chuyến đầu diễn ra rất thuận lợi. Các tay buôn cực kỳ hào phóng, không kỳ kèo, không hề chậm thanh toán tiền dù chỉ một ngày.

“Hồi đó ai cũng giành nhau gom cua, vì giá ngon quá mà, làm ăn lại sòng phẳng nữa. Bên đó thì mỗi lúc đẩy lô hàng một lớn hơn. Đỉnh điểm có mấy lô lên tới hơn chục tỷ, khi qua đến bển thì dân ở đây gọi không được. Trước giờ chỉ biết số điện thoại với tin nhắn, chứ đâu biết thêm gì.

Hàng thì cả chục tỷ, mà mới nhận được 100 triệu đồng cọc. Nhiều người cũng tìm đường qua tới tận bển kiếm mà đâu có ra, thế là phá sản, ôm nợ cả đời. Ông H. là một trong những người bị đau nhất”, ông C. nhớ lại.

Bị một vố quá lớn, ông H. bỏ luôn hàng cua và hiện chỉ tập trung làm hàng tôm sú.

 

Bài học năm đó cũng khiến giới buôn cua Cà Mau đề phòng hơn, không vì thấy người lạ ra giá cao mà ồ ạt chạy theo. Từ đó đến nay, giới buôn cua mặc định chỉ làm việc với những “mối” có liên kết cơ sở sản xuất, xuất khẩu được cấp code xuất khẩu. Vì ít nhất, ở mỗi code xuất khẩu luôn có thông tin cụ thể doanh nghiệp nhận hàng.

Điều này vô tình tạo “sân chơi riêng” cho những doanh nghiệp “thường xuyên” được cấp code.

Tại Cà Mau, hiện không khó để tìm những người mạnh tài chính, hiểu rõ quy trình xuất khẩu cua. Chính họ cũng nhiều lần muốn thử sức ở vị trí là doanh nghiệp xuất thẳng cua qua biên. Tuy nhiên, khi đến bước xin cấp code, họ buộc phải bỏ cuộc. Ông V., chủ 3 vựa cua lớn mà chúng tôi kể trên là một trong số này.

Song, khác với số đông, dù biết sai phạm, ông V. vẫn chấp nhận thuê code để có thể tiếp tục “sống” trong giới buôn cua này.

“Cái lợi của việc liên kết code là giảm rủi ro bị nuốt hàng, vì có thông tin công ty nhận. Nhưng mà thiệt thì nhiều hơn, chủ yếu là bà con nuôi cua. Tại nếu tính ra, code thì được nhiêu đó, quay đi quay lại thì cũng chỉ được chừng đó chỗ, nên là giá cả họ tự đưa ra, bà con đâu được quyết. Mà giờ không bán thì biết bán cho ai. Cua thì nuôi cả đời, giá thấp cũng đành chịu mà duy trì thôi”, ông V. nói.  

>>> Kỳ 2: Dễ thuê khó xin code - 'Luật ngầm' vây giới buôn cua Cà Mau xuất khẩu

Nhóm phóng viên

Tin mới