Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vệ tinh NanoDragon 'made in Vietnam' sau hơn 6 tháng 'mất tích' giờ ra sao?

(VTC News) -

Đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông tin về vệ tinh NanoDragon sau hơn 6 tháng được phóng vào vũ trụ.

Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, các kỹ sư, chuyên gia của đơn vị vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm tín hiệu của NanoDragon.

“Hiện trạm mặt đất chưa thu được thông tin nên chưa xác định được những thông số trạng thái chi tiết của vệ tinh. Tuy nhiên, trạm mặt đất của VNSC vẫn để chế độ thu tự động tín hiệu khi vệ tinh qua trạm. Một số trạm mặt đất trên thế giới cũng đang tiếp tục tìm tín hiệu”, ông Huy nói.

Vệ tinh không hoạt động?

“Có những vệ tinh không hiểu vì lý do gì mà sau một thời gian người ta lại thu được tín hiệu”, ông Huy nói. Đây là vệ tinh nghiên cứu nên việc xảy ra mất tín hiệu cũng không phải hiếm. Theo thống kê, khoảng 35% vệ tinh nghiên cứu hoạt động hoàn hảo đúng thiết kế.

Trong trường hợp không thể thu được tín hiệu của vệ tinh NanoDragon thì chúng ta vẫn cố gắng chế tạo các vệ tinh tiếp theo, từ đó tiến tới làm chủ cộng nghệ vệ tinh trong tương lai.

Tên lửa Epsilon số 5 đưa NanoDragon và 8 vệ tinh bay vào vũ trụ hôm 9/11.

Vệ tinh NanoDragon có 3 đường truyền thông, gồm: Đường truyền dữ liệu đo xa từ vệ tinh phát xuống mặt đất ở dải tần UHF, đường phát lệnh điều khiển từ mặt đất lên ở dải tần VHF và đường truyền dữ liệu nhiệm vụ từ vệ tinh xuống mặt đất ở băng tần S.

NanoDragon cùng 8 vệ tinh khác cùng tham gia phóng vào vũ trụ hôm 9/11/2021. Bên cạnh đó còn có 11 vật thể bay đã được xác định sau khi phóng. Vì vậy các đơn vị cần khá nhiều thời gian để xác định vật thể nào là NanoDragon.

VNSC đang vận hành 2 lần/ngày vào 9h30 sáng và 9h30 tối tại trạm mặt đất ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Trung tâm gửi các lệnh điều khiển vệ tinh ở băng tần VHF để dò tìm tín hiệu ở băng S, đồng thời phối hợp với cộng đồng Satnogs để thu tín hiệu vệ tinh, trong đó 2 trạm có khả năng gửi lệnh lên vệ tinh NanoDragon và thu tín hiệu ở băng S.

Trung tâm thực hiện tìm kiếm, sàng lọc mọi dữ liệu liên quan đến tín hiệu NanoDragon trên cộng đồng Satnogs, kết hợp trao đổi, phân tích các khả năng tình huống có thể xảy ra trên vệ tinh và tìm kiếm giải pháp với đối tác.

Quá trình chế tạo NanoDragon mang lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá cho các kỹ sư cũng như cán bộ của Trung tâm trong tất cả các giai đoạn như: thiết kế chế tạo, tích hợp thử nghiệm, phóng và chuẩn bị vận hành khai thác”, tiến sĩ Huy nói.

Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC.

Trong khi đó, theo các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực vũ trụ thì thông thường ngay khi tới mục tiêu, vệ tinh sẽ phát tín hiệu, có thể là 1-2 tiếng, hoặc vài ngày. Một số vài trục trặc có thể khắc phục được từ xa thì sau ít ngày sẽ có tín hiệu. Nhiều trường hợp ko xử lý được thì vệ tinh trở thành rác không gian.

Từ phân tích trên, chuyên gia nhận định khả năng vệ tinh NaNoDragon không hoạt động, hoặc gặp sự cố gì đó. Họ cũng cho rằng, việc vệ tinh phóng lên gặp lỗi không hề ít, nhất là khi chúng ta còn hạn chế về kinh phí và gặp khó khăn về nhiều.

Ước mơ làm chủ công nghệ

NanoDragon được phóng vào không gian 7h57 ngày 9/11/2021 cùng 8 vệ tinh khác nhờ tên lửa Epsilon số 5. RAISE-2 là vệ tinh đầu tiên được thả. NanoDragon là vệ tinh cuối cùng được thả vào không gian, bắt đầu sứ mệnh trong không gian. Trước đó, ngày phóng vệ tinh phải hoãn tới 2 lần.

“Con đường chinh phục không gian còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng quan trọng là tất cả chúng tôi luôn sẵn sàng đối mặt và nỗ lực để đạt được ước mơ chung: Ước mơ làm chủ công nghệ”, ông Huy nói.

Trước đó, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (có khối lượng 1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng vào năm 2013. Vệ tinh hoạt động khá ổn định trong khoảng 3 tháng, liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin "PicoDragon Vietnam" đến các trạm mặt đất trên khắp thế giới.

Sau thành công của PicoDragon với mục tiêu từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, các kỹ sư của VNSC đã phát triển ý tưởng phát triển một vệ tinh phức tạp hơn, thực thi nhiều nhiệm vụ liên quan đến thực tiễn hơn. “Năm 2014, chúng tôi bắt đầu 'thai nghén' vệ tinh do Việt Nam thiết kế. Năm 2017 chúng tôi xin được kinh phí thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020”, tiến sĩ Huy nói.

Video: NanoDragon cùng 8 vệ tinh nhỏ khác được tên lửa Epsilon-5 đưa vào không gian sáng 9/11/2021

Quá trình chuẩn bị phóng, vệ tinh NanoDragon vượt qua 4 vòng kiểm tra an toàn phóng của JAXA với nhiều tiêu chuẩn khắt khe và các thử nghiệm quan trọng về môi trường như: các thử nghiệm môi trường nhiệt chân không trong 82 giờ, các thử nghiệm về rung động (thử nghiệm tìm tần số dao động riêng, rung động hình sin, rung động ngẫu nhiên, rung động sine burst), thử nghiệm về sốc và các thử nghiệm chức năng khác.

Trong một lần trả lời báo chí, một kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, toàn bộ thiết kế khung được gia công tại Việt Nam, do chi phí đắt đó nên nhiều đơn vị từ chối, mua nước ngoài số tiền gấp nhiều lần so với chế tạo Việt Nam, và phải 5 năm mày mò nhóm mới gia công được 5 phiên bản khác nhau, mới ra được bản hoàn chỉnh.

NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano, khối lượng 3,8kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100x100x340,5mm). Vệ tinh do đội ngũ kỹ sư, nhà nghiên cứu VNSC phát triển. Đây là sản phẩm của đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020".

Tên vệ tinh là NanoDragon mang ý nghĩa rồng nhỏ Việt Nam sẽ bay cao bay xa vào vũ trụ. Việc phát triển vệ tinh NanoDragon còn hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) nhằm tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.

Lộ trình phát triển vệ tinh "Made in Vietnam" của VNSC. (Nguồn: VNSC)

Năm 2019, vệ tinh MicroDragon được phóng lên quỹ đạo thành công và vẫn đang hoạt động theo mục tiêu đề ra. MicroDragon là sản phẩm thuộc hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, thành phần của dự án "Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất". Vệ tinh do 36 học viên, là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nghiên cứu, phát triển và chế tạo.

Phạm Hương

Tin mới