Đất Thanh Hóa đã trải qua các đời có nhiều tên gọi khác nhau. Tên gọi Ái Châu quen thuộc được biết đến vào thời Lương Vũ Đế nhà Lương. Đến thời nhà Lý được đổi làm phủ Thanh Hóa, tên gọi Thanh Hóa từ đó mà được biết đến.
Suốt hành trình dọc sông Mã, nơi vang vọng những câu thơ Tây Tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng, mỗi quãng đường đi đều thấp thoáng bóng dáng đền đài miếu mạo, lại như nghe thấy tiếng quân reo ngựa hí âm vang vùng đất nổi tiếng với danh xưng “địa linh, nhân kiệt” này.
Sông Mã đoạn chảy qua huyện Vĩnh Lộc.
Vĩnh Lộc vốn là một huyện trung du của tỉnh Thanh Hóa, nơi có đủ núi cao, đất bằng và biển rộng.
Từ Hà Nội, đi qua 120km quốc lộ 1A, chúng tôi đến huyện Hà Trung rồi rẽ vào quốc lộ 217, đi thêm khoảng 40 km thì bắt đầu vào Vĩnh Lộc, quê hương của Lê Phụ Trần (Lê Tần) – người có công lớn trong công cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất, của danh tướng Trần Khát Chân… nhưng nổi danh nhất vẫn là Thành nhà Hồ và phủ chúa Trịnh.
Trên đường tới Thành nhà Hồ thì đi qua phủ Trịnh, nơi ghi dấu ấn sâu đậm và cũng là đặt bài vị thờ phụng 18 đời Chúa Trịnh.
Lâu đài cung điện nguy nga xưa kia giờ chỉ còn lại một di tích khiêm tốn. Người xưa kể lại, nơi này trước đó chỉ là gian bếp, gia nhân trong phủ đã cố gắng giữ lại sau khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc, gần như san phẳng mọi thứ thuộc về nhà Chúa.
Sau khi đi vào trong thôn, cổng phủ Trịnh hiện ra bình di như một ngôi miếu thờ.
Tấm bia chính giữa phủ Trịnh.
Hình lưỡng long chầu nguyệt trên mái phủ.
Một góc phủ Trịnh, nơi xưa kia chỉ là gian bếp của dãy phủ chính.
Nếu đường đến phủ Trịnh nhỏ nhắn, giản dị, thu mình trong khu dân cư bình thản, lặng lẽ thì sau khi đi qua thị trấn Vĩnh Lộc, Thành nhà Hồ - Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận năm 2011 - kinh đô của nước Đại Ngu (quốc hiệu nước ta thời nhà Hồ) hiện ra thênh thang, hoành tráng với tòa thành sừng sững được xây dựng từ cuối thế kỷ 14 vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, ánh lên vẻ kiêu hùng, vững chãi và lộng lẫy.
Thành nhà Hồ nhìn từ cổng Bắc.
Cổng chính, dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo như vẫn còn đây....
Kết cấu tòa thành nhìn từ đỉnh nóc.
Tường thành ngoại được đắp bằng đất (gần 100.000m3) trên một vùng bằng phẳng, rộng rãi, tiện phòng thủ, dễ tấn công.
Tương truyền, tòa thành được xây dựng trong một thời gian rất ngắn, chỉ vẻn vẹn 3 tháng, nhưng quy mô, kết cấu, kiến trúc và tầm vóc khiến người của 6, 7 thế kỷ sau vẫn phải trầm trồ, thán phục.
Việc xây dựng thành Tây Giai (một tên gọi khác của Thành nhà Hồ) này đều đảm bảo phong thủy: lưng dựa núi Đốn Sơn, mặt nhìn ra sông Mã.
Các di tích khảo cổ trong khu trưng bày tuy chưa đủ nhiều, đủ lớn để trở thành một bảo tàng, nhưng cũng nói lên tầm vóc và trí tuệ mà triều đại nhà Hồ tuy ngắn ngủi nhưng đã huy động được, từ điêu khắc, gốm sứ, đặc biệt là loại súng bắn đá với những viên đạn đá vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Lối dẫn vào khu trưng bày các hiện vật, di tích đang được lưu giữ của Di sản UNESCO này.
Tranh vẽ mô tả Hồ Quý Ly, người sáng lập nhà Hồ.
Đạn đá, vũ khí lợi hại của quân triều Hồ.
Lá đề trang trí hình rồng, vật phẩm kiến trúc tiêu biểu của vùng đất một thời là Kinh đô nước Đại Ngu.
Thành nhà Hồ mãi là dấu ấn văn hóa nổi bật của một triều đại tồn tại tuy không dài, nhưng luôn được sử sách ghi nhận, đánh giá cao.