Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Về thăm Đền Đô, chốn linh thiêng thờ các bậc đế vương nhà Lý

(VTC News) -

Đền Đô là một trong những ngôi đền linh thiêng cổ kính nổi tiếng ở Bắc Ninh, đền thờ 8 vị vua nhà Lý với những kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa người Việt.

Về miền quê quan họ Bắc Ninh - Kinh Bắc, nơi nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt” có nhiều công trình, kiến trúc lịch sử, văn hóa đặc sắc, chắc hẳn ai cũng muốn được một lần chiêm bái, khám phá Đền Đô - một địa danh lịch sử gắn với công trình kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa người Việt.

Đền Đô mang trong mình ý nghĩa lịch sử to lớn gắn với Chiếu Dời Đô của vua Lý Thái Tổ, mở ra thời kỳ độc lập, tự do cho đất Việt trước giặc phương Bắc.

Đền Đô được xây dựng vào thế kỷ XI, trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng ngày xưa), nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh).

Nơi đây còn được gọi là đền Cổ Pháp (đền Lý Bát Đế), là nơi thờ của 8 vị vua nhà Lý: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. 

Đền Đô nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, với công trình kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa người Việt.

Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn, một người con của quê hương Đình Bảng đã bỏ rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu về văn hóa cũng như lịch sử Đền Đô cho biết, khi vua Lý Công Uẩn lên ngôi và trở lại thăm quê hương vào tháng Hai năm Canh Tuất (1010), ông đã dừng thuyền rồng để đi bộ thăm các bậc trưởng lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Tại đây, dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi tiếp đón nhà vua.

“Sau này, khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn đây làm nơi thờ tự vua cha. Cũng từ đó Đền Đô trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà”, ông Thìn chia sẻ.

Bên trong điện Đền Đô là nơi thờ tự các vị vua nhà Lý.

Cũng theo ông Thìn, sau hàng trăm năm, vào những thời khắc linh thiêng, Đền Đô - Đình Bảng cũng là nơi chứng kiến những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ khi dải mây rồng vàng ở phía Thăng Long - Hà Nội bay về rồi tản ra đúng lúc dân làng Đình Bảng bắt đầu lễ rước “Linh bài Lý Thái Tổ và Chiếu Dời Đô ra Thăng Long" theo nghi lễ cổ truyền.

Và người thầy giáo, người con của làng Đình Bảng - Nguyễn Đức Thìn đã bắt trọn được thời khắc linh thiêng ấy vào trong một tấm ảnh mà sau này trở thành minh chứng cho sự linh thiêng của Đền đô, đó là bức hình “Bát Đế hiển linh”.

"Bát Đế hiển linh" là bức hình được Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn chụp năm 1998.

Theo Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, ngoài những giá trị văn hóa, lịch sử, Đền Đô là một công trình kiến trúc đặc sắc với nghệ thuật điêu khắc đá, điêu khắc gỗ, tạc tượng thờ và nghệ thuật xây dựng đều đạt ở mức tinh xảo.

Cổng vào nội thành Đền Đô gọi là Ngũ Long Môn với hai cánh cổng có trạm khắc hình năm con rồng. Mỗi khi cánh cổng này mở ra, sẽ như hình dáng con rồng bay lên cao vút.

Trung tâm của Đền Đô là khu chính điện trang nghiêm. Tại đây có điện thờ vua Lý Thái Tổ với hai con hạc trầu hai bên, điện thờ quanh năm nghi ngút khói hương.

Cổng vào nội thành Đền Đô gọi là Ngũ Long Môn với hai cánh cổng có trạm khắc hình những con rồng.

Bên trong điện thờ chính, một bên ghi "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Phía bên phải là bài thơ hào hùng nổi tiếng – như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta "Nam quốc sơn hà Nam đế cư...” của Lý Thường Kiệt.

Phía sau ngôi chính điện là nhà hậu cung, nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của tám vị vua nhà Lý.

Bên trong khu Đền Đô còn có bức cuốn thư “Chiếu dời đô” với chiều cao 3,5 mét, rộng hơn 8 mét, được ghép lại từ 214 chữ Hán làm bằng gốm Bát Tràng. Đây được coi là bức chiếu thư bằng gốm Bát Tràng lớn nhất Việt Nam.

Bức cuốn thư “Chiếu dời đô” trong Đền Đô. Đây được coi là bức chiếu thư bằng gốm Bát Tràng lớn nhất Việt Nam.

Trong nội thất khu Đền còn có nhà chuyển bồng, kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái, 8 đao cong mềm mại, nhà tiền tế, nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ.

Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và đền vua bà (thờ các Hoàng thái hậu triều Lý).

Kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại hòa lẫn vào đôi song rồng chầu nguyệt (biểu tượng của triều đại nhà Lý).

Trước cửa Đền là Nhà Thủy đình dựng trên hồ bán nguyệt, rộng 5 gian, có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Đây là nơi để các chức sắc ngày trước ngồi xem biểu diễn rối nước. Thủy đình Đền Đô xưa đã được Ngân hàng Đông Dương thời thuộc Pháp chọn làm hình ảnh tiêu biểu in trên tờ giấy bạc năm đồng.

Nhà Thủy đình dựng trên hồ bán nguyệt trước cửa Đền Đô, rộng 5 gian, có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Đây là nơi để các chức sắc ngày trước ngồi xem biểu diễn rối nước.

Với cảnh quan rộng lớn, được chia thành các biệt khu, Đền Đô mang lại cho khách hành hương nhiều cảm giác lắng đọng với đại điện linh thiêng, hậu cung trang nghiêm, thủy đình thư thái… Xen lẫn trong gió là mùi hương trầm ấm áp, hương ngọc lan thoang thoảng, đưa du khách vào cõi suy tưởng về một triều đại anh hùng với những vị vua anh minh, kiệt xuất, thấm đẫm tư tưởng Phật giáo từ bi. 

Để tưởng nhớ công lao to lớn của triều đại nhà Lý và củng cố sức mạnh đoàn kết của cộng đồng làng xã, hàng năm, vào ngày 14, 15, 16/3 âm lịch, người dân Đình Bảng lại mở hội đền Đô.

Lề hội Đền Đô được tổ chức vào các ngày 14,15,16/3 âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ công lao to lớn của triều đại nhà Lý 

Trung Thành

Tin mới