Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Về già, tôi sẽ bán tài sản vào nhà dưỡng lão, không ở với con

(VTC News) -

Tôi không bao giờ để bố mẹ mình vào nhà dưỡng lão, nhưng bản thân tôi khi về già sẽ bán tài sản để vào đó sống chứ không ở với con.

Không phải vì con tôi kém hiếu thảo, đây là chuyện mỗi thời mỗi khác, mỗi người mỗi khác.

Đừng vội kết tội những người đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão là bất hiếu. Tôi đồng tình với tác giả một bài viết trên VTC News rằng để đánh giá điều này, phải xét trên nhu cầu, nguyện vọng của chính các cụ, mà mong muốn của mỗi người không giống nhau. Hoàn cảnh của gia đình, con cái cũng cần được tính đến.

Với thế hệ bố mẹ tôi, việc phải trải qua những năm tháng cuối đời ở nhà dưỡng lão là điều bất hạnh cùng cực, là thất bại thê thảm nhất của người làm cha mẹ. Thời trước, người ta “trẻ cậy cha, già cậy con”; bố mẹ dốc hết sức lực, của cải, hy sinh mọi thứ để nuôi nấng, bù trì cho con cái, khi về già chỉ có thể sống dựa vào con. Ngoài vấn đề tiền bạc, chăm sóc, do cả cuộc đời đắm đuối với con, họ còn bị lệ thuộc về mặt tình cảm, chỉ có thể hạnh phúc khi được ở bên con cháu những ngày tháng cuối. Những đứa con hiếu thảo nhất định phải gần gũi nâng giấc, sớm tối chăm nom.

Vì thế, nhà dưỡng lão thời trước được lập ra chỉ để dành cho những cụ già neo đơn, bất hạnh, nó mang tính chất từ thiện giống như nhà thương làm phúc hay trại trẻ mồ côi. Con cái nếu có thể lo cho bản thân, cho thế hệ sau của mình mà lại để bố mẹ phải vào đó ở chính là kẻ bất hiếu.

Nhưng thời nay không thế. Việc vào nhà dưỡng lão đối với nhiều cụ là lựa chọn, là phong cách sống chứ không phải “bị đời xô đẩy”. Tốc độ mọc lên của các khu dưỡng lão cho thấy điều này. Các cụ già sống trong nhà dưỡng lão không còn là hình ảnh tội nghiệp, đáng thương nữa nếu ở đó có chất lượng sống tốt (và đương nhiên là chi phí không nhỏ).

Đúng là nhiều cụ vào đây ở vì con cái quá bận rộn, ít có thời gian cho bố mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa họ chối bỏ trách nhiệm làm con mà muốn chọn giải pháp tốt hơn cho đấng sinh thành: Đưa họ đến nơi có nhân viên theo dõi, chăm sóc sức khỏe 24/24h, có nhiều người cùng lứa tuổi để bạn bầu, trò chuyện suốt cả ngày thay vì chỉ thui thủi một mình trong ngôi nhà mà cả con và cháu đều vắng mặt trong hầu hết thời gian.

Và không thể phủ nhận một thực tế: Ngày nay rất nhiều cụ chủ động vào nhà dưỡng lão, thậm chí phải “đấu tranh” với con cái để được vào. Không chỉ tránh làm phiền cuộc sống riêng của con, bản thân họ muốn được sống theo ý mình, muốn có cuộc sống vui vẻ, thoải mái, và các nhà dưỡng lão hiện đại đáp ứng nhu cầu này. Nhiều người cao tuổi mà tôi biết rất vui vẻ tận hưởng tuổi già ở đó.

Bản thân tôi, đang sống độc thân vui vẻ ở tuổi 54, cũng đã quyết định chọn viện dưỡng lão làm ngôi nhà của mình những năm cuối đời. Hiện tại, tôi ở một mình, hai con một trai một gái đều đã lập gia đình và ra riêng. Bản thân vẫn tươi trẻ, vẫn sung sức, có nhiều bạn bè và công việc bận rộn, tôi chưa bao giờ thấy cô đơn, thậm chí không thể dành nhiều cho con cháu nếu chúng đến chơi quá thường xuyên.

Dù ít năm nữa là về hưu, tôi dự định sẽ vẫn làm những công việc thích hợp, đồng thời dành thời gian cho các thú vui riêng, trong đó có việc du lịch với bạn bè cho đến lúc sức khỏe không còn cho phép. Khi đó, trừ ngôi nhà đang ở sẽ tặng con gái út, tôi bán tài sản và dọn vào một nhà dưỡng lão cao cấp, nơi sẽ cho tôi cuộc sống vui vẻ, được chăm sóc chu đáo mỗi ngày. Con cái vẫn đến thăm tôi vào dịp cuối tuần hoặc lúc nào chúng rảnh, như trước đây.

Vì thế, chuyện phụng dưỡng bố mẹ ở nhà hay đưa vào trại dưỡng lão, tôi nghĩ nên nhìn nhận bằng ánh mắt rộng mở, vì các quan điểm, giá trị thay đổi theo thời gian. Trước đây, chỉ những người không có khả năng mua nhà mặt đất mới ở chung cư, còn nay thì có những căn chung cư giá đắt gấp mấy lần nhà mặt đất, thậm chí đắt hơn cả biệt thự. Chuyện ở nhà hay vào viện dưỡng lão đối với người già ngày nay cũng vậy, đơn giản là sự lựa chọn.  

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến, quan điểm của mình ở box bình luận bên dưới.

Hải Lam

Tin mới