Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Về Bình Định nhất định phải ăn bún song thằn

(VTC News) -

Bún song thằn Bình Định được dân gian gọi là bún tiến vua, bởi vào thời nhà Nguyễn, những người thợ làm bún lành nghề được triệu về kinh đô Huế để phục vụ hoàng tộc.

Bình Định thu hút du khách không chỉ bởi những danh lam thắng cảnh mà còn bởi truyền thống văn hóa võ thuật và sự quyến rũ của những làng nghề bản địa, nơi vẫn giữ được nét đẹp truyền thống từ thời cha ông. Trong số đó, làng nghề làm bún song thằn được xem là một điểm đến đặc biệt.

Khi ghé thăm làng An Thái (thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn), du khách sẽ được trải nghiệm không khí bình dị và tham gia vào cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương, có cơ hội khám phá và thưởng thức bún song thằn thơm ngon, một món ăn nổi tiếng được yêu thích. Món bún này là một phần quan trọng của di sản văn hóa ẩm thực vùng đất Bình Định.

Làm bún song thằn ở An Nhơn, Bình Định.

 

Về cái tên "song thằn", có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo người dân địa phương, "song" có thể hiểu là đôi, "thằn" là dây, mô tả sợi bún được cuộn lại như một cặp dây, tạo nên hình ảnh đôi sợi bún thẳng đứng, đối lập nhau.

Bún song thằn từ lâu đã được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của nó. Tương truyền, vào thời nhà Nguyễn, các thợ lành nghề của làng bún song thằn An Thái đã được triệu về kinh đô Huế để làm bún phục vụ triều đình, hoàng tộc. Vì thế mà dân gian còn gọi song thằn là bún tiến vua.

Tuy nhiên, khi được sản xuất tại Huế, bún song thằn không giữ được hương vị gốc vì không đủ điều kiện tự nhiên như nắng gió "xứ nẫu"; nước sông Hương cũng khác biệt so với nước sông Côn. 

An Thái - làng nghề bún song thằn, nằm trong khu vực giàu truyền thống thượng võ và là nơi thường tổ chức các lễ hội đặc trưng của đất Tây Sơn. Đây là một trong những ngôi làng có bề dày văn hóa lịch sử, tọa lạc ở phía bắc thôn An Thái.

Về Bình Định nhất định phải ăn bún song thằn.

Với vị trí địa lý thuận lợi, chỉ cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30 phút di chuyển, làng nghề này là điểm đến thuận tiện cho du khách. Bạn có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện, từ ô tô cá nhân, xe máy đến dịch vụ xe buýt hoặc taxi. Đến thăm làng An Thái, bạn không chỉ trải nghiệm về ẩm thực mà còn được khám phá một phần di sản văn hóa đặc biệt của Bình Định.

Ở đây, mọi công đoạn làm bún song thằn đều được thực hiện thủ công, đòi hỏi sự khéo léo và chú tâm của những người thợ. Họ bắt đầu ngày làm việc từ tờ mờ sáng. Công đoạn đầu tiên là nhóm lửa và chuẩn bị nguyên liệu, sau đó họ tiến hành xay bột và nhào bột. Quá trình này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật để tạo ra những sợi bún mảnh mai và mềm mại.

Điểm đặc biệt ít người biết của bún Song Thằn so với bún thường là lấy đậu xanh làm nguyên liệu chính. Điều này tạo ra hương vị đặc trưng và khác biệt rõ rệt.

Món đặc sản Bình Định nức tiếng được sản xuất ở làng nghề An Thái.

Để có được sợi bún mềm dai, người làm phải qua nhiều bước chế biến phức tạp từ làm bột, vắt thành sợi cho đến phơi khô. Đậu xanh phải tuyển chọn loại ngon, đem phơi khô và ngâm nước lạnh qua đêm, sau đó xay nhuyễn.

Việc xay bột thường được làm vào buổi tối để tránh ánh nắng mạnh, giúp bảo quản bột tốt hơn và tránh tình trạng hư hỏng. Bột đậu xanh sau khi xay cần được tách ra thành hai phần gồm bột nhất và bột nhì, tương ứng với bột tinh và bột thô. Phần bột nhất ngon hơn, được sử dụng làm bún song thằn, còn bột nhì dùng sản xuất các loại bún khác.

Để sợi bún sau khi phơi khô có độ đàn hồi tốt, không bị đứt gãy dễ dàng, người dân thường thêm một ít bột hoàng tinh (còn gọi là bột chủ mì tinh, huỳnh tinh, bình tinh). Hỗn hợp bột được bọc trong túi vải thô, để ráo nước và hấp chín vừa đủ, sau đó được vắt trong khăn lụa mỏng để tạo thành sợi bún.

Quá trình vắt bún đòi hỏi sự khéo léo và kỹ thuật của người thợ. Họ vừa đưa túi bột qua lại vừa vắt với lực đủ để tạo ra những sợi bún trắng tinh mềm mại chảy xuống nồi nước nóng.

Sau khi nấu chín, bún tươi được vớt ra khỏi nồi và xả nước lạnh để ngừng quá trình nấu, giữ cho bún không bị mềm quá. Người dân tin rằng, để bún thực sự ngon, đủ độ dai và chuẩn vị, nước rửa bún phải lấy từ sông Côn.

Bát bún song thằn có giá thành khá cao.

Sau khi được phơi khô dưới ánh nắng, bún sẽ được chia thành từng bó hoặc gói, bọc trong lá chuối hoặc nylon để bảo quản, duy trì hương vị đặc trưng cho đến khi sử dụng. Tất cả các công đoạn này đều được thực hiện một cách tỉ mỉ và cẩn thận.

Giá thành của bún song thằn là khá cao, khoảng 200.000 đồng/kg, phần nào phản ánh quy trình sản xuất phức tạp. Đây cũng là một lý do khiến nghề làm bún ở làng An Thái đang đối mặt với nguy cơ thất truyền do số hộ sản xuất ngày càng giảm.

Mặc dù vậy, món bún này vẫn rất được ưa chuộng và có thể được biến tấu thành nhiều phiên bản đa dạng tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi người. Bún song thằn có thể được sử dụng để nấu các món như bún bò Huế, bún riêu, bún hải sản và nhiều món ăn khác. Khi kết hợp với thịt bò, gà, heo, tôm, hoặc các loại hải sản, hương vị của bún song thằn trở nên phong phú và đa dạng, làm hài lòng các thực khách khó tính nhất.

Tùy Ý (Tổng hợp)

Tin mới