Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Về Bảy Núi xem lấy mật thốt nốt

Cây thốt nốt không chỉ được khai thác trái để ăn, thân làm đồ mỹ nghệ…, mật hoa của cây còn là nguyên liệu nấu đường thốt nốt, đặc sản rất riêng của An Giang.

Mùa này được xem là thời điểm lý tưởng để khai thác nước thốt nốt từ nhụy hoa của cây.

Nấu đường thốt nốt là sinh kế của khá nhiều hộ đồng bào Khmer thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đi khai thác nước thốt nốt.

Cây thốt nốt từ 10-12 năm mới ra hoa kết trái và có thể lấy nước. Khi ấy, thân cây rất cao, hứng từng giọt mật đã khó, vận chuyển xuống còn khó hơn. Người ta sử dụng can nhựa  buộc phía dưới nhụy hoa, sau đó khoét lỗ nhỏ để nước thốt nốt từ từ chảy vào can.

Ở vùng Bảy Núi, có hộ sở hữu hàng trăm cây thốt nốt, nhưng cũng có người chỉ có vài cây làm vốn, nên phải thuê dài hạn cây thốt nốt trong vùng để khai thác. Đầu mùa, mỗi ngày thu về được vài chục lít đã khá đủ để nấu đường.

Thang trèo cây thốt nốt là loại tre già, chừa lại các mấu để làm bậc. Việc leo lấy nước thốt nốt đòi hỏi kinh nghiệm, dù nhiều người đã quen nghề, nhưng đôi lúc không tránh khỏi nguy hiểm…

Nước thốt nốt được lấy từ bông chót vót trên cao. Thay cho ống tre thông dụng ngày xưa,  bình nhựa có thể đựng được nhiều hơn cho mỗi lần lấy mật.

Do không thể bảo quản qua ngày, khi vừa lấy được từ trên cây xuống, nước thốt nốt phải được nhanh chóng đem nấu để giữ lại hương vị ngon nhất.

Những giọt mật còn tươi nguyên, thơm lừng… Bất kỳ ai ngang qua tò mò, người dân đều sẵn sàng mời nếm thử.

Những căn chòi lãng đãng khói trắng ẩn dưới hàng thốt nốt xanh um là lò nấu đường, tỏa vào khoảng không mênh mông mùi thơm ngọt ngào đặc trưng của trái thốt nốt không lẫn vào đâu được.

Nước được lọc qua lưới trực tiếp trên nồi lớn, nấu sôi và đảo liên tục 4 tiếng trước khi cô đặc thành đường.

Bình quân cần 8 lít nước thốt nốt nấu thành 1kg đường thốt nốt nguyên chất. Chỉ như vậy, người nấu không sử dụng thêm phụ gia nào, giữ trọn vị ngon của tự nhiên.

Đường cô đặc được cho vào hộp, sử dụng theo sở thích, từ pha thức uống đến nêm nếm vào món ăn. Vị ngọt thanh của thốt nốt và mùi thơm nồng làm nên đặc sản của vùng Bảy Núi nói riêng, An Giang nói chung, đồng thời là món quà không thể thiếu khi đến khám phá vùng đất này.

 

Nguồn:

Tin mới