Mùa Olympic Tokyo năm nay, hơn 300 vận động viên Nga tranh tài trong 30 bộ môn. Họ tham dự với danh nghĩa thành viên của Ủy ban Olympic Nga, thay vì đội tuyển quốc gia. Đây là hình phạt đối với Nga sau bê bối chính phủ hỗ trợ việc sử dụng doping trái phép.
Sự tham dự của các vận động viên Nga tới nay vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Không ít đối thủ từ đoàn thể thao các nước khác đặt câu hỏi các vận động viên Nga có mặt ở Tokyo liệu có trong sạch, theo BBC.
Đoàn vận động viên Ủy ban Olympic Nga lúc này đang đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng, với 10 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, và 10 huy chương đồng.
Khi trận chung kết nội dung 200 m bơi ngửa diễn ra hôm 30/7 kết thúc, kình ngư người Mỹ Ryan Murphy đặt câu hỏi "cuộc đua có thực sự trong sạch hay không", sau khi vận động viên này để mất tấm huy chương vàng vào tay đối thủ người Nga là Evgeny Rylov.
Murphy sau đó thay đổi phát biểu của mình, và đính chính rằng anh đề cập về vấn đề doping nói chung, chứ không nhắm vào đối thủ người Nga.
"Tôi muốn nói rõ là không định cáo buộc bất cứ ai. Nhưng bạn không thể chắc chắn 100%. Tôi không biết là cuộc đua có trong sạch 100% hay không bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ", Murphy nói.
Từ trái sang, các vận động viên Ryan Murphy, Evgeny Rylov và Luke Greenback. Ảnh: AFP.
Trong khi đó, kình ngư của đoàn thể thao Anh, Luke Greenback, giành huy chương đồng trong bộ môn bơi ngửa 200 m.
"Rõ ràng khó thi đấu hơn rất nhiều khi phải đối mặt với một đối thủ mà chúng tôi không biết liệu họ có trong sạch hay không", Greenback cho biết.
Trước sự nghi ngờ từ hai đối thủ, kình ngư Rylov cho rằng các đồng nghiệp Mỹ và Anh có quyền hoài nghi, trong bối cảnh đoàn thể thao Nga đã có quá khứ lạm dụng doping.
"Tôi luôn luôn 'trong sạch' và xét nghiệm đầy đủ. Tôi điền tất cả tờ khai cần thiết. Ryan hoàn toàn có quyền nghĩ những gì anh ấy nghĩ, và nói những gì anh ấy nói. Nói thật, anh ấy không buộc tội gì tôi cả. Đó là lý do tôi sẽ không phải ứng lại những gì anh ấy nói", vận động viên người Nga trả lời báo giới.
Chỉ một ngày trước đó, nữ vận động viên chèo thuyền Megan Kalmoe của đoàn Mỹ cho biết cô này rất khó chịu khi "nhìn thấy một đội đua đáng lẽ không nên có mặt nhưng vẫn tới tham dự và giành huy chương bạc".
Hai nữ vận động viên người Nga là Vasilisa Stepanova và Elena Oriabinskaia giành vị trí thứ nhì bộ môn chèo thuyền.
Trong khi đó, vận động viên quần vợt người Nga Daniil Medvedev nổi nóng sau khi bị phóng viên đặt câu hỏi liệu các vận động viên Nga có mặt ở Olympic năm nay có "bị kỳ thị vì mang tiếng gian lận".
"Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp tôi không trả lời câu hỏi, anh nên cảm thấy tự xấu hổ về bản thân. Tôi không muốn gặp lại anh một lần nữa", tay vợt người Nga, hiện giữ vị trí số 2 thế giới, nói với phóng viên.
Sau bình luận của kình ngư Murphy của đoàn Mỹ, Ủy ban Olympic Nga viết trên Twitter rằng các vận động viên của họ tham dự Olympic Tokyo "hoàn toàn hợp lệ".
"Dù một số người có thích hay không, các bạn cần học cách thất bại. Nhưng dường như không phải ai cũng biết thế nào là thất bại", Ủy ban Olympic Nga mỉa mai.
Cơ quan này cáo buộc những thông điệp về bê bối doping đang một lần nữa được sử dụng để chống lại các vận động viên Nga.
Olympic Tokyo là sự kiện Olympic thứ ba liên tiếp các vận động viên của Nga bị hạn chế thi đấu.
Năm 2014, bê bối sử dụng doping của đoàn thể thao Nga lần đầu bị đưa ra ánh sáng. Tới năm 2016, các cơ quan điều tra quốc tế kết luận chính phủ Nga bảo trợ cho chương trình lạm dụng doping trong nhiều sự kiện thể thao cấp độ Olympic, trong đó có cả Olympic Sochi khi Nga là nước chủ nhà và giành vị trí dẫn đầu.
Tại Olympic Rio năm 2016 tổ chức ở Brazil, các vận động viên Nga vẫn được phép tham dự nhiều nội dung, trừ điền kinh.
Đến Olympic Pyeongchang năm 2018, chỉ các vận động viên được xác định không có lịch sử dính líu đến doping mới được phép tham dự với tư cách "Vận động viên Olympic từ Nga".
Xạ thủ người Nga Vitalina Batsarashkina. Ảnh: TASS.
Tại Olympic Tokyo năm nay, chỉ 10 vận động viên điền kinh Nga được phép tham dự. Liên đoàn Điền kinh Nga đến nay vẫn bị đình chỉ hoạt động.
Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Quốc tế Sebastian Coe đầu tuần qua tuyên bố "Nga nên cảm thấy biết ơn" vì đã có vận động viên được tham dự ở giải đấu năm nay, xét tới lịch sử bê bối doping lâu dài và đến nay vẫn chưa có nhiều cải thiện.
"Chúng tôi đã có cuộc tranh luận nóng về vấn đề này. Một số đồng nghiệp của tôi cho rằng liệu có nên cho các vận động viên trung lập tham dự hay không? Sau đó chúng tôi quyết định 10 vận động viên tham dự là con số phù hợp", ông Coe cho biết.
Tại Olympic Tokyo, Cơ quan Xét nghiệm Quốc tế (ITA), một cơ quan độc lập tách biệt khỏi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), giám sát mọi hoạt động kiểm soát doping.
Hôm 30/7, ITA cho biết đã tiến hành hơn 2.500 xét nghiệm các vận động viên, trong đó chưa mẫu nào bị phát hiện dương tính với doping.
Theo ITA, phần lớn mẫu xét nghiệm đến lúc này thuộc về các môn bơi lội, chèo thuyền, điền kinh, xe đạp, cử tạ. Các đoàn thực hiện nhiều xét nghiệm nhất là Mỹ, Australia, Trung Quốc, Anh, và các vận động viên của Ủy ban Olympic Nga.
Ban đầu, Nga bị cấm thi đấu 4 năm tại tất cả sự kiện thể thao ở tầm thế giới. Tháng 12/2020, án phạt này được Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) giảm xuống còn hai năm.
Sau Olympic Tokyo và Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh năm 2022, nước Nga sẽ dần quay trở lại cộng đồng thể thao thế giới. Giải vô địch bóng chuyền thế giới năm 2022 sẽ được tổ chức tại 10 thành phố của Nga.