Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, có quy định về phí liên quan đến hoạt động cho vay như sau:
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, gồm:
1. Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
2. Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng.
3. Phí thu xếp cho vay hợp vốn.
4. Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu.
5. Các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, khi vay vốn ngân hàng, bên vay vốn sẽ phải chịu những khoản phí nêu trên.
Các chi phí vay ngân hàng được quy định thế nào?
Nhóm chi phí khách hàng nộp cho cơ quan Nhà nước
Phí công chứng hợp đồng bảo đảm: Đối với khoản vay có thế chấp tài sản, hầu hết ngân hàng yêu cầu khách phải ký kết hợp đồng bảo đảm. Hợp đồng bảo đảm được công chứng hoặc chứng thực tại phòng/văn phòng công chứng. Theo quy định, mức phí công chứng hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản tại phòng/văn phòng công chứng được xác định dựa trên giá trị tài sản; trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay (Điểm a6, khoản 2, Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC).
Mức thu phí công chứng hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản theo quy định hiện hành tối thiểu là 50.000 đồng (giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch dưới 50 triệu đồng), tối đa là 70 triệu đồng (giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch trên 100 tỷ đồng).
(Ảnh minh họa)
Phí đăng ký, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm (hoặc giao dịch bảo đảm): Với những khoản vay được bảo đảm bằng bất động sản (quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) sau khi đã công chứng hợp đồng bảo đảm tại Phòng/Văn phòng công chứng sẽ thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm tại văn phòng/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Mức phí đăng ký, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm có sự khác nhau giữa các địa phương. Đây là loại phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở tờ trình của Ủy ban nhân tỉnh cùng cấp.
Tại các địa phương, mức phí đăng ký biện pháp bảo đảm (bất động sản và động sản) trung bình khoảng 80.000 đồng/hồ sơ. Mức phí xóa đăng ký biện pháp bảo đảm (bất động sản và động sản) khoảng 20.000 đồng/hồ sơ.
Nhóm chi phí vay ngân hàng thu từ khách hàng
Đối với khoản vay dành cho khách hàng cá nhân, ngân hàng thường áp dụng thu phí trả nợ trước hạn, phí cam kết rút vốn và phí thẩm định giá tài sản bảo đảm.
Phí trả nợ trước hạn: Khi người vay đề nghị tất toán khoản nợ trước thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, ngân hàng sẽ thu phí trả nợ trước hạn. Chẳng hạn, khách hàng vay thời hạn 24 tháng nhưng sau 12 tháng khách hàng đề nghị trả hết nợ vay cho ngân hàng. Khi đó, ngân hàng sẽ thu thêm một khoản phí bên cạnh số tiền gốc, lãi mà khách hàng phải trả.
Phí cam kết rút vốn: Theo Khoản 4 Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì "Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu".
Hiện, các ngân hàng xác định thu phí cam kết rút vốn theo hai cách. Thứ nhất, ngân hàng thu phí cam kết rút vốn ngay khi giải ngân lần đầu số tiền vay cho khách hàng. Thứ hai, ngân hàng sẽ thu phí cam kết rút vốn nếu khách hàng không tuân thủ việc cam kết rút vốn như đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
Phí thẩm định giá tài sản bảo đảm: Một số ngân hàng thành lập hoặc liên kết với công ty thẩm định giá độc lập để thẩm định giá tài sản và thu phí thẩm định giá đối với khách hàng. Mức thu phí thẩm định giá được xác định theo loại tài sản (động sản hoặc bất động sản) và giá trị của tài sản định giá.
Ngoài ra còn có một số chi phí khác liên quan đến khoản vay như bảo hiểm tài sản thế chấp, bảo hiểm tử kỳ cho người vay.