Chị Nguyễn Ngọc Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, năm 2018, chị đầu tư 2 căn condotel. Mỗi căn hộ 60m2, có giá 1,6 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí sửa nhà, mua sắm đồ đạc, tổng số tiền đầu tư ngót nghét 2 tỷ đồng/căn.
Sau khi nhận bàn giao, sửa sang căn hộ, chị cũng đã cho thuê được 5 tháng. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2020, đại dịch COVID-19 ập tới, các căn hộ của chị nằm bất động.
Chị Mai buồn rầu chia sẻ, để mua được căn hộ này, chị đã mang hết số tiền tiết kiệm của gia đình và vay ngân hàng thêm 2 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm.
Lỡ mua Condotel, nhiều gia đình lục đục.
Số tiền gốc và lãi quá cao khiến thu nhập hàng tháng của chị Mai không thể chi trả. Chồng chị biết chuyện vay nợ và vợ đem hết tiền tiết kiệm của gia đình để đi mua Condotel hàng ngày trách mắng, gia đình chị Mai lục đục suốt thời gian dài.
“Đến giờ chúng tôi đã ly hôn, căn nhà gia đình ở cũng đã bán đi chia đôi, phần của tôi đã đem đi trả nợ hết”, chị Mai buồn bã nói.
Chị Trần Thị Nga (Thanh Hoá) cũng chia sẻ câu chuyện đầu tư Condotel của mình. Chị Nga cho biết, gia đình chị có 4 người con nên chị thời điểm năm 2019 thấy đầu tư Condotel cam kết lợi nhuận tốt, chị đã không ngần ngại vay ngân hàng 70% để mua 1 căn hộ tại Đà Nẵng.
“Lãi suất chủ đầu tư cam kết lên tới 14%, trong khi tôi được vay ưu đãi 9%/năm, Tính ra lãi suất chênh lệch đã cao hơn so với gửi tiết kiệm, trong khi giá trị căn hộ còn tăng lên theo thời gian. Vì vậy, tôi đã không ngần ngại đầu tư”, chị Nga chia sẻ.
Tuy nhiên, sau đó, chị nhận được thông báo dừng chi trả thu nhập cam kết của chủ đầu tư, chị đờ đẫn cả người nhưng không dám nói với chồng.
“Tôi ngày nào cũng như ngồi trên đống lửa, có chuyện gì, mất tiền mất của chắc cũng tan cửa nát nhà, vợ chồng lục đục mất thôi. Đấy là tiền mồ hôi nước mắt của chồng, chỉ vì nghe lời vợ nên mới đầu tư vào Codotel”, chị Nga than thở.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Ngô Phương Lan cũng không khá hơn khi đầu tư vào Condotel tại Nha Trang. Vợ chồng chị Phương đều làm công ăn lương, tích cóp nhiều năm được ít tiền và vay thêm 65% để đầu tư 1 căn Condotel tại Nga Trang với mong muốn có thêm khoản tiền hằng tháng cho con cái học hành và sau 8 năm trả hết nợ thì sẽ có một tài sản hữu hình sở hữu lâu dài.
Thế nhưng hiện chị phải chịu lãi suất 13% mỗi năm. Trong khi dịch dã, các căn Condotel đều không cho thuê được, mỗi tháng vợ chồng chị phải trả hơn 30 triệu đồng tiền gốc lãi.
"Cứ đến kỳ ngân hàng báo lãi đến hạn là tôi thấp thỏm mất ăn mất ngủ. Nhà thì bỏ trống không cho thuê được, chủ đầu tư cũng “xù” thu nhập cam kết. Còn ngân hàng bảo lãnh thì không lên tiếng, chỉ có tăng lãi suất và siết nợ. Quả thực tôi không biết phải làm gì với khoản đầu tư này nữa”, chị Lan than thở.
Thị trường Condotel đóng băng gần 3 năm qua khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng. Đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư.
Ngoài nguyên nhân do dịch COVID-19, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nút thắt chủ yếu đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là việc xác định khái niệm đầy đủ, rõ ràng và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu các bất động sản như condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng; việc phân chia quyền sở hữu; việc xác định thời hạn sở hữu bất động sản; việc quản lý, khai thác các bất động sản…
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, trong ngắn hạn, cần thiết nghiên cứu, ban hành những quy định đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư thứ cấp khi tham gia góp vốn vào đầu tư dự án bất động sản du lịch để tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư khi bỏ ra một nguồn tiền lớn.
Bên cạnh đó, việc kịp thời và chủ động hoàn thiện các căn cứ pháp lý điều chỉnh theo hướng có các quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn, góp phần quản lý, khai thác và phát triển tốt nhất loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn đầu tư trong phân khúc này, góp phần trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.