Cơm trắng là thành phần gần như không thể thiếu trong các bữa ăn chính của người Việt Nam. Để có nồi cơm thơm ngon, bên cạnh việc chọn gạo ngon, xác định tỷ lệ nước và gạo hợp lý, việc vắt vài giọt nước cốt canh vào nồi cơm trước khi nấu cũng sẽ đem lại kết quả khiến bạn bất ngờ.
Cách này nghe hơi lạ, không được nhiều người biết đến, thậm chí có người còn lo lắng việc vắt vài giọt nước cốt chanh vào nồi cơm trước khi nấu sẽ khiến cơm bị chua. Tuy nhiên, thực tế lượng nước cốt chanh rất ít nên không đủ làm hỏng vị cơm mà còn giúp cơm thơm hơn, tơi mềm, hạt gạo trắng, lại rất dễ xới.
Nước cốt chanh cũng là một chất bảo quản tự nhiên. Việc vắt vài giọt nước cốt chanh vào nồi cơm trước khi nấu có tác dụng giúp cơm lâu ôi thiu hơn, nhất là khi trời nắng nóng.
Nếu trong gia đình không có chanh, bạn có thể thay thế bằng giấm ăn với một lượng phù hợp, cứ 1,5kg gạo thì cho 2ml giấm ăn. Giấm ăn giúp cơm trắng và thơm hơn, lâu thiu hơn. Mùi vị của giấm ăn không ảnh hưởng tới mùi vị của cơm vì trong quá trình nấu ở nhiệt độ cao, giấm ăn sẽ bốc hơi.
Vắt vài giọt nước cốt chanh vào nồi cơm trước khi nấu, cơm sẽ thơm, tơi mềm, hạt gạo trắng, rất dễ xới. (Ảnh: Istock)
Nấu cơm tuy là việc cực kỳ đơn giản nhưng để nấu cơm ngon, thơm dẻo, không quá khô hay nhão, bạn cũng cần lưu ý:
Để mua được gạo ngon, bạn phải lựa chọn những cửa hàng uy tín; nên mua gạo mới, gạo theo mùa chứ không mua loại đã để lâu vì chúng đã mất nhiều chất dinh dưỡng, mất đi vị ngọt tự nhiên và dễ bị mối mọt.
Chọn mua gạo có hạt đều, không mua gạo bị gãy nát hay có màu vàng, đen vì đã để lâu. Gạo ngon, mới sẽ có mùi thơm nhẹ nhàng, dễ dàng ngửi thấy; tránh loại gạo có mùi lạ hoặc mùi ẩm mốc.
Mặc dù gạo tương đối sạch nhưng việc vo rửa trước khi nấu vô cùng quan trọng bởi nó giúp rửa trôi những bụi bẩn và tạp chất. Vo gạo cũng cần có kỹ thuật, không chỉ đơn thuần là chà xát hay tráng qua với nước là xong.
Vitamin B1 chủ yếu ở ngoài hạt gạo, vo quá kỹ sẽ làm mất đi các chất khoáng và đặc biệt là vitamins B1, B2, B6... Vì thế, chúng ta chỉ nên khoắng nhẹ tay cho bụi bẩn và tạp chất trôi ra là được.
Theo cách truyền thống, bạn đo mức nước bằng cách cho ngón tay trỏ vào nồi cơm, đầu ngón tay chỉ vừa chạm gạo và không được cắm sâu xuống đáy nồi, nếu mức nước tới lóng tay đầu tiên là đủ, cơm sẽ không bị khô hay nhão. Cách khác là cho cả bàn tay vào, nếu mức nước ngập qua bàn tay là được. Chú ý chỉ nên đặt tay nhẹ nhàng trên bề mặt gạo thôi.
Ngay lúc cơm vừa chín tới, bạn mở nắp nồi, dùng đũa xới thật nhẹ nhàng rồi đậy nắp lại để thêm tầm 10 phút là cơm chín ngon.