Tôi có hai người cháu ruột, trai đang học lớp 3, gái học lớp 5. Mỗi lần ở Hà Nội về thăm quê là hai cháu lại tíu tít hỏi chuyện, đòi bác kể chuyện Hà Nội cho nghe, háo hức mong đợi có dịp được bác cho ra Hà Nội để xem xiếc và đi chơi công viên.
Sau nhiều tuần thất hứa với hai bạn nhỏ, cuối cùng tôi cũng lựa được một ngày thảnh thơi để dẫn các cháu đi xem xiếc, sau đó vào công viên Thống Nhất tham quan theo yêu cầu tha thiết của hai bạn nhỏ. Nhưng chỉ mới đi được một lúc, bọn trẻ đã tiu nghỉu kêu chán và đòi về, bảo công viên lớn, nổi tiếng của Thủ đô nhưng không hấp dẫn, hiện đại bằng khu vui chơi ở một tỉnh miền Trung mà chúng từng được vào trong chuyến du lịch.
Tôi không nói với hai cháu rằng bản thân mình dù ở Hà Nội nhưng cũng không hề có ý định tới đây chơi, sau thời sinh viên đưa bạn gái vào tâm sự vì công viên rất vắng. Vài chục năm trôi qua, đủ để một thế hệ sinh ra trở thành người lớn, tôi thấy nơi đây chẳng thay đổi nhiều. Vì thế mà dù diện tích rất lớn, nằm giữa lòng Thủ đô, nơi người dân luôn “khát”, “thèm” không gian công cộng xanh, công viên Thống Nhất vẫn không phải là điểm đến thu hút. Ngoài sự đơn điệu, tường rào kín mít bao quanh và việc thu phí vào cửa cũng là yếu tố “đẩy” người dân ra ngoài.
“Hàng rào công viên được xây dựng để bảo đảm an ninh. Nhưng trong một số trường hợp, những bức tường rào kín lại dễ dàng trở thành nơi ẩn náu cho thành phần xấu, tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội. Thành ra dù nhà ở gần, các cháu nhỏ học hành cả ngày vất vả, buổi tối đòi sang công viên đi dạo, hóng gió nhưng mình vẫn ngại chẳng dám đưa đi” – một chị bạn cùng cơ quan với tôi, có nhà ở gần công viên Thống Nhất phàn nàn.
Nhiều khu vực vui chơi trong công viên Thống Nhất quá cũ kỹ, lạc hậu.
Chị kể với tôi chuyện gần đây nhất, vào chiều thứ 7, do cô giáo ra đề văn tả cảnh công viên nên chị dẫn con vào đây quan sát. Hai mẹ con đi loanh quanh, thấy vỉa hè nhiều đoạn sụt lún, cầu trượt thì bong tróc, trò chơi phi thuyền thì phủ bạt đã lâu, các bậc cầu thang nứt vỡ. Con gái chị kết luận: “Công viên xấu hơn con tưởng mẹ nhỉ. Thôi mình về, con không thấy có gì thú vị cả”.
Vậy nên, khi đọc được trên báo chí về quyết tâm “năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội" của ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chị bạn tôi rất vui mừng. Giống như tôi, chị cho rằng phải xóa bỏ hàng rào và đầu tư chăm sóc thì công viên mới trở về đúng bản chất của nó là không gian sinh hoạt công cộng dành cho mọi người, ai cũng có thể đến để thụ hưởng giống như khi đi dạo quanh Hồ Gươm hay Hồ Tây, tránh được sự lãng phí và xuống cấp như hiện nay.
“Người Việt Nam ta giờ văn minh rồi, ý thức công cộng cũng tốt hơn. Hãy biết tin tưởng vào ý thức, vào tinh thần yêu cái đẹp của người dân” – chị nhấn mạnh.
Trên thực tế, công viên theo hướng mở là xu hướng chung của thế giới. Ở Việt Nam, tại các khu đô thị hiện đại như Ecopark, Times city, Ocean Park… đều không cần hàng rào bê tông kín cổng cao tường, có chăng là những luống cây nhỏ thấp để chia khu. Mọi người tự do, thoải mái đi lại tận hưởng, không phân biệt là cư dân sinh sống tại khu đô thị đó hay từ nơi khác tìm về.
Thiết nghĩ với hàng loạt công viên khác tại Hà Nội hiện nay, nếu dỡ bỏ hàng rào, chỉnh trang lại không gian cảnh quan, khu dịch vụ, đường đi, chiếu sáng, tăng cường các trạm ngồi nghỉ chân, đồng thời quy hoạch và bố trí các không gian dịch vụ như nước uống, nhà vệ sinh, đồ ăn nhẹ… một cách hợp lý thì chắc chắn chủ trương “làm sống lại các công viên ở Hà Nội" của Chủ tịch UBND TP sẽ trở thành một trong các bước đột phá trong việc hướng tới lợi ích cộng đồng.
Khi phá bỏ các hàng rào, có thể phân bổ trách nhiệm bảo vệ an ninh cho các đơn vị như công an, đoàn thanh niên, phụ nữ, hưu trí cấp phường, xã… theo mô hình tự quản. Đặc biệt, trong thời đại 4.0 – nếu như các công viên được tăng cường quản lý bằng công nghệ, sử dụng công nghệ để tạo nên những không gian dịch vụ trải nghiệm độc đáo cho người dân thì đây chính là nguồn thu để tái đầu tư, cải tạo công viên hiệu quả.
Bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.