Đó là là thăm kém may mắn do đội bóng do HLV Kiatisak Senamuang dẫn dắt. Chiến lược gia người Thái Lan kỳ vọng AFC Champions League 2022 sẽ là giải đấu để HAGL không chỉ tích lũy thêm kinh nghiệm, mà còn quảng bá thương hiệu và thể hiện tham vọng vươn ra châu Á.
HAGL rơi vào bảng đấu rất khó khăn.
Một bảng đấu khó khăn trên mọi phương diện mang tới cho HAGL thử thách lớn, nhưng cũng là cơ hội để đội chủ sân Pleiku chứng tỏ bản lĩnh.
Bảng đấu khó
Để hình dung độ khó của bảng đấu mà HAGL góp mặt, chỉ cần biết Công Phượng cùng đồng đội đã gặp những đối thủ mạnh nhất ở những nhóm hạt giống có thể đối đầu.
Jeonbuk Hyundai Motors là đương kim vô địch Hàn Quốc, một trong hai nền bóng đá hàng đầu châu Á hiện nay (cùng với Nhật Bản). 9 mùa giải vừa qua, Jeonbuk lên ngôi ở giải Hàn Quốc 7 lần, 2 lần đá chung kết AFC Champions League (giành 1 chức vô địch).
So với các đội khác ở nhóm 1, Jeonbuk mạnh hơn 2 đại diện Trung Quốc là Sơn Đông Thái Sơn và Cảng Thượng Hải, đẳng cấp hơn BG Pathum và nhỉnh hơn Kawasaki Frontale - đội bóng vừa chiêu mộ Chanathip Songkrasin.
Jeonbuk là đương kim vô địch Hàn Quốc.
Đối thủ Yokohama F.Marinos của HAGL cũng là đội mạnh nhất có thể ở nhóm 2, khó khăn hơn nhiều so với Urawa Red Diamonds (xếp hạng 6 J-League 1), Jeonnam Dragons (Hàn Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc) và Chiangrai United (Thái Lan). Yokohama F.Marinos là á quân J-League 1, từng vô địch Nhật Bản cách đây 2 năm.
Đối thủ cuối cùng của HAGL sẽ được xác định ở loạt play-offs, nhiều khả năng là một CLB đến từ Australia hoặc Trung Quốc. Mùa trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các đội Trung Quốc, Australia hoặc không dự giải, hoặc cử đội hình trẻ đến đá AFC Champions League. Đây là cơ hội để HAGL kiếm điểm.
Còn để đi tiếp, thầy trò HLV Kiatisak buộc phải vượt qua những đỉnh núi vời vợi từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
HAGL chơi đến cùng?
AFC Champions League là sân chơi nằm ngoài tầm với của các CLB Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử. SHB Đà Nẵng, FLC Thanh Hóa, Nam Định từng thay nhau dự giải, rồi nhận về những trận thua tan nát.
Dù các đại diện V-League chơi tiến bộ hơn trong 5 năm qua và có những trận đấu tốt, tiêu biểu có chiến thắng 3-2 của Becamex Bình Dương trước Jeonbuk tai AFC Champions League 2016, thất bại đáng tiếc 0-1 của CLB Viettel trước Ulsan Hyundai, nhưng phải nhìn nhận bóng đá Việt Nam chưa từng để lại dấu ấn.
HAGL sẽ chơi với quyết tâm cao nhất?
Do đó, chờ đợi HAGL lập tức ngáng đường các đại diện Nhật Bản, Hàn Quốc để tạo bất ngờ là điều xa xỉ. Đội bóng phố Núi đã lột xác dưới bàn tay huấn luyện của Kiatisak, nhưng việc V-League 2021 bị hủy khiến thời gian làm việc của "Zico Thái" với học trò bị rút ngắn.
Yếu tố người hâm mộ chờ đợi ở HAGL tại AFC Champions League năm nay là thái độ thi đấu. HAGL sẽ chơi "sát ván" như Bình Dương, Hà Nội khi ra biển lớn châu lục để thắng hay thua cũng ngẩng cao đầu, hay chơi với thái độ cầm chừng, hờ hững để dưỡng sức cho V-League - đấu trường vừa tầm hơn với HAGL?
Với những tuyên bố trước đó của Kiatisak, có thể tin HAGL sẽ đá AFC Champions League bằng mọi nguồn lực. "Zico Thái" đích thân tuyển chọn, mang về 2 ngoại binh là Mauricio và Baiano để nâng suất cầu thủ nước ngoài ở phố Núi lên con số 4, nhằm tối ưu hóa lực lượng cho AFC Champions League.
Kiatisak không thiếu tham vọng, vấn đề là khi bầu Đức quyết định "chơi lớn" và cầu thủ HAGL thực sự mặn mà với đấu trường này, HAGL mới trở thành tập thể đáng xem.
HLV Kiatisak đang thay đổi diện mạo HAGL.
HAGL bị đánh giá thấp hơn, nhưng AFC Champions League không phải không có những bất ngờ. Đội hình non kinh nghiệm của CLB Viettel từng cầm hòa đương kim vô địch Hàn Quốc Ulsan Hyundai đến những phút cuối cùng, Bình Dương đã thắng Jeonbuk và chơi không kém cạnh FC Tokyo, hay Hà Nội FC từng khiến Sơn Đông Lỗ Năng của Trung Quốc chật vật,...
Trình độ chưa thể san lấp trong một sớm, một chiều, nhưng thái độ thi đấu sẽ giúp HAGL có những cơ hội riêng. Với cái tôi của Kiatisak cùng khát vọng chứng tỏ bị kìm nén rất lâu của Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh,... HAGL sẽ là đội bóng đáng xem.
Chơi tốt tại AFC Champions League là cú hích cần thiết cho HAGL. Chưa cần nói xa xôi đến tham vọng vươn ra châu Á, mà thi đấu cống hiến tại đây là con đường ngắn nhất để gia tăng thương hiệu cho cầu thủ Việt Nam.
Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Teerasil Dangda đã tìm đường xuất ngoại thành công nhờ thi đấu ổn định ở giải đấu này. Tuấn Anh, Văn Toàn,... có thể chờ đợi điều tương tự. Bóng đá Việt Nam cần bước tiến cụ thể để thu hẹp cách biệt với mặt bằng châu Á, mà màn trình diễn của HAGL là một phần quan trọng trong số đó.