Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vẫn tồn tại cán bộ sợ sai, Thủ tướng yêu cầu thay thế, điều chuyển

(VTC News) -

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác với cán bộ năng lực yếu, né tránh, sợ trách nhiệm, để công việc trì trệ.

Đó là chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra trong Công điện số 968 ban hành ngày 16/10, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

Vấn đề này đã được người đứng đầu Chính phủ nhiều lần chỉ đạo chấn chỉnh, nhưng tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu thay thế, điều chuyển ngay những cán bộ năng lực yếu, né tránh, sợ trách nhiệm, để công việc trì trệ. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng đánh giá, công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.

Để khắc phục những tồn tại này, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm nơi làm chưa tốt.

"Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao", công điện nêu rõ yêu cầu của Thủ tướng.

Với trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả, Thủ tướng chỉ đạo phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý việc cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Tổ chức thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Nhấn mạnh nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giai đoạn 2022-2025, Thủ tướng đặt yêu cầu hết năm 2023 phải công khai 100% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Đồng thời yêu cầu rà soát, trình phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền phương án đơn giản hóa ít nhất 50% số thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó phương án phải bảo đảm cắt giảm ít nhất 20% số thủ tục hành chính và 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

"Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí nguồn lực, cơ hội của Nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp; không để đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp...", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ động, tích cực, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chí, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể, đánh giá lượng hóa được.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả kết quả đánh giá làm căn cứ trong bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

"Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp tổ chức quán triệt Công điện đến từng đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý", Thủ tướng nhấn mạnh.

Anh Văn

Tin mới