Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải thông tin về Chương trình khôi phục kinh tế, trong đó có đề xuất gói phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng và cho rằng dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này tại Kỳ họp thứ 2.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn khẳng định, đây là thông tin không chính thống. Việc đề xuất nội dung vào chương trình nghị sự của Quốc hội cần bảo đảm quy trình của Luật định. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm việc, thống nhất với Chính phủ về việc dự kiến những nội dung có hay không đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp.
“Liên quan đến quy mô gói phục hồi kinh tế sau đại dịch, tới thời điểm hiện nay, Văn phòng Quốc hội chưa nhận được văn bản đề xuất từ Chính phủ. Do đó, những thông tin của cá nhân, tổ chức đăng tải cho rằng, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ thảo luận về chương trình phục hồi kinh tế là không có căn cứ và không đáng tin cậy", ông Tuấn nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin thêm: Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang chủ động, tích cực nghiên cứu đề xuất gói kích thích kinh tế theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 4 là xem xét, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng linh hoạt và quy mô phù hợp để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Tuấn, kể từ cuối năm 2019, sau khi xuất hiện đại dịch COVID-19 nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã kiên trì, linh hoạt thực hiện mục tiêu kép với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân…
Để tránh tình trạng thông tin không chính xác ảnh hưởng đến tình hình kinh tế- xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, trong đó có hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết: Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan có liên quan trong quá trình chuẩn bị văn bản chỉ khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thì mới cung cấp thông tin, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định của pháp luật; đồng thời cần phát huy tính dân chủ, nhất là tổ chức việc lấy ý kiến của nhân dân, tránh việc thông tin lệch lạc, phát ngôn không đúng thẩm quyền sẽ ảnh hưởng đến tình hình thị trường, ổn định xã hội và các quyết sách của các cơ quan có thẩm quyền.