Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Văn khấn rằm tháng 8 chuẩn nhất

(VTC News) -

Bài cúng rằm tháng 8 theo "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" được nhiều gia đình sử dụng trong các ngày Tết Trung thu.

Tết Trung thu cũng là một dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên đã khuất. Vào dịp này, các gia đình thường làm mâm lễ mời tổ tiên cùng về đoàn viên.

Bên cạnh việc sắm sanh lễ vật, mâm cỗ, văn khấn cúng gia tiên ngày rằm tháng 8 âm lịch cũng được nhiều gia đình chú trọng.

Văn khấn rằm tháng 8 chuẩn nhất

Dưới đây là bài cúng rằm tháng 8 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam của  NXB Văn hóa Thông tin.

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.

Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ (chúng) con là... ngụ tại…

Hôm nay là ngày rằm tháng 8, gặp tiết Trung thu, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an, bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Phục duy cẩn cáo!

Mâm cúng đơn giản ngày rằm tháng 8. (Ảnh: Loan Trần)

Ý nghĩa ngày Tết Trung thu

Ý nghĩa ngày Tết Trung thu thời xa xưa là sự tri ân đối với thiên nhiên, với tổ tiên đã phù hộ cho mọi người được no ấm, là niềm mong ước sẽ được bội thu trong mùa sau, và cũng là sự tự thưởng cho mình sau những ngày lao động vất vả, tận hưởng niềm vui khi nhìn thấy thành quả lao động.

Sự đoàn viên, sum họp cũng là ý nghĩa quan trọng của ngày Tết Trung thu. Vào ngày này, người người nhà nhà sửa biện mâm cỗ để cúng gia tiên, mọi người quây quần cùng vui chơi và hàn huyên.

Nhà văn hóa Phan Kế Bính viết trong cuốn Việt Nam phong tục: "Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".

Ngày xưa trong dịp Tết Trung thu, trẻ con được người lớn mua hoặc làm cho những món đồ chơi như đèn lồng, đồ chơi bồi bằng giấy hình voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, hoặc làm đèn cù, ông nghè đất…

Khi trăng lên, người lớn sẽ ngồi ăn bánh, uống trà, ngắm trăng. Người trẻ tuổi thì cùng nhau hát điệu Trống quân. Trẻ em thì dắt nhau thành từng nhóm rước đèn, múa sư tử, đánh trống, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, tiếng reo hò, tiếng đùa vang khắp cả đường.

Tết Trung thu là dịp để mọi người sắp xếp công việc để trở về quê, sum họp với gia đình và quây quần bên mâm cỗ đoàn viên. Sau đó, cả nhà sẽ cùng uống trà, ăn bánh, ngắm trăng, trò chuyện và ôn lại những kỷ niệm đẹp.

Nhiều quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á thường tổ chức các lễ hội vào dịp này như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore. Đặc biệt với Hàn Quốc, đây là một trong những ngày lễ cổ truyền lớn nhất.

Nhật Thùy (Tổng hợp)

Tin mới