Ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46 vào ngày 21/2. Hôm 30/4, tròn 100 ngày ông tiếp quản Nhà Trắng. Đây là cột mốc mang tính biểu tượng, song đây cũng là khoảng thời gian để cử tri Mỹ đánh giá, nhìn nhận lại các cam kết trong chiến dịch tranh cử, cũng như đưa ra những dự báo cho chính sách 45 tháng còn lại của người đứng đầu Nhà Trắng.
Đối sách với Trung Quốc được xem là điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden trong 100 ngày đầu nắm quyền. Washington vẫn tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh như thời cựu Tổng thống Donald Trump, song ông Bien nhấn mạnh đến hợp tác với các đồng minh, đối tác để đối chọi với Trung Quốc, thay vì “đơn thương độc mã” như ông Trump.
Đối kháng là chủ yếu
Chiến lược Trung Quốc của Joe Biden sau 100 ngày nắm quyền ở Nhà Trắng không khác nhiều so với chính quyền của người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Donald Trump. Dưới thời Trump, Mỹ dựng lên nhiều rào cản kinh tế, thực thi chính sách kiềm chế, răn đe Trung Quốc về quân sự, đồng thời coi Bắc Kinh là mối đe dọa đối với Washington.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thực thi chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong 100 ngày đầu nắm quyền. (Ảnh: ORF)
Quan điểm về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Biden đã được thể hiện rõ trong thời gian qua. Theo đó, Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề cùng chung lợi ích, cạnh tranh khi cần cạnh tranh và đối kháng ở những vấn đề cần phải đối kháng.
Trong “Chỉ dẫn chính sách đối ngoại tạm thời của Mỹ”, chính quyền Tổng thống Joe Biden coi "sự cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc" là thách thức chính mà Mỹ sẽ phải đối mặt trong thế kỷ này.
Ba tháng qua, chính quyền Biden áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến cách hành xử đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, chính sách đối với Hong Kong; đưa ra các hướng dẫn mới để tăng cường tương tác với các quan chức Đài Loan; thực hiện các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông…
Mới đây, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua "Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021" (Strategic Competition Act of 2021) do các nghị sĩ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đề xuất nhằm chống lại ảnh hưởng xấu của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ, quân sự, nhân quyền, kinh tế…
Về mặt an ninh, đến nay, chính quyền Biden vẫn duy trì và thậm chí tăng cường gắn kết với Đài Loan. Washington tiếp tục các cuộc tiếp xúc cấp cao với các quan chức Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo này. My vẫn cam kết hợp tác với Đài Loan, ủng hộ hòn đảo này theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang xem xét, đánh giá lại chính sách quân sự đối với Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua việc chính quyền Biden quyết định chuyển nguồn lực quân sự từ Trung Đông (rút quân khỏi Afghanistan) sang châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với Bắc Kinh - trong bối cảnh ngân sách quốc phòng thực tế của Mỹ không đổi so những năm trước.
Công nghệ được chính quyền Biden nhấn mạnh là lĩnh vực cạnh tranh với Trung Quốc. Cạnh tranh về công nghệ với Bắc Kinh nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ. Washington thực thi một loạt các biện pháp trừng phạt với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, siết chặt tiếp cận với công nghệ nguồn. Điều này được cho là cần thiết, giúp Mỹ chiếm ưu thế, ngăn Trung Quốc thống trị các công nghệ của tương lai.
Sourabh Gupta, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ có trụ sở tại Washington, cho biết, khác với chính quyền Trump khi “yêu cầu Trung Quốc chơi trên một sân chơi bình đẳng”, giờ đây Washington làm ngược lại với điều này bằng cách cắt đứt Trung Quốc về các công nghệ lõi. Điều này thể hiện qua việc Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 12 công bố danh sách hàng chục công ty Trung Quốc sẽ bị chặn mua công nghệ của Mỹ.
Mỹ luôn đặt nặng vấn đề mối đe dọa của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng, đe dọa lợi ích của nước này. Tuy nhiên, khác với cách tiếp cận “một mình” đối với với Trung Quốc của chính quyền người tiền nhiệm, ông Biden ưu tiên “chủ nghĩa đa phương”, phối hợp với các đồng minh để đối chọi với Bắc Kinh.
Chuyên gia Sourabh Gupta cho rằng, ông Biden tìm cách mở rộng hợp tác với các đồng minh, quyết định duy trì nhiều chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Trump là khôn ngoan. Theo lý giải của Sourabh Gupta, đây sẽ là cách duy nhất để tạo thêm sức ép, buộc Bắc Kinh phải nhân nhượng ở một số vấn đề trong quan hệ với Washington.
Khó tìm được tiếng nói chung
Đến nay, lĩnh vực hợp tác thực sự duy nhất giữa Washington và Bắc Kinh là biến đổi khí hậu. Điều này được thể hiện qua việc Chủ tịch Tập Cận Bình tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do ông Biden chủ trì vào ngày 22/4. Trước đó, Mỹ và Trung Quốc, hai nước dẫn đầu về lượng khí thải CO2 trên toàn cầu, đã nhất trí hợp tác để ngăn chặn biến đổi khí hậu,
Theo các chuyên gia, khí hậu có thể là lĩnh vực hợp tác giữa Trung Quốc và phương Tây. Mặc dù điều này cũng có thể trở thành cuộc cạnh tranh mới khi chính quyền Mỹ gây áp lực buộc Trung Quốc, đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn, dừng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than trên khắp thế giới đang phát triển như một phần của sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
David Dollar, nhà nghiên cứu cao cấp Viện Brookings, cựu đặc phái viên Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh cho rằng, trong 100 ngày đầu nắm quyền của ông Biden dường như tính đối đầu với Trung Quốc được thể hiện rõ nét so với khía cạnh hợp tác hay cạnh tranh.
“Có rất ít sự hợp tác giữa hai nước. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do ông Biden chủ trì được xem là một ngoại lệ”, David Dollar cho hay.
Phát biểu với các phóng viên về các ưu tiên an ninh quốc gia của ông Biden, một quan chức chính quyền cấp cao trong chính quyền Biden giấu tên cho biết, chính phủ sẽ "không né tránh các chủ đề khó và giải quyết chúng trực tiếp với Trung Quốc".
Một trong những yếu tố mà chính quyền Biden sẽ phải cân nhắc trong quan hệ với Trung Quốc đó là vấn đề thuế quan. Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có sự gắn kết trên nhiều mặt. Do đó, cái giá phải trả đối với mỗi nước sẽ là rất lớn khi Washington và Bắc Kinh tiếp tục thực thi chính sách thuế quan theo hướng “ăn miếng, trả miếng” đối với hàng hoá của nhau.
Các nhà nghiên cứu ước tính, mức thuế 25% đối với tất cả thương mại giữa hai nước sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 190 tỷ USD mỗi năm. Mỹ cũng sẽ gánh chịu tổn thất lên tới 500 tỷ USD nếu các công ty Mỹ giảm một nửa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Ngoài ra, lệnh cấm hoàn toàn đối với khách du lịch và sinh viên Trung Quốc đến Mỹ sẽ khiến Mỹ thất thu lên đến 30 tỷ USD.
Sự phụ thuộc kinh tế vào nhau giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục ngay cả khi hai nước cạnh tranh nhau về kinh tế. Nhiều người nói về việc Mỹ tách rời Trung Quốc nhưng có những giới hạn trong mức độ tách rời đó. Điều này ngay cả nhóm chính giới Mỹ theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc cũng nhận thức một cách rõ ràng.
Hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden là rất hạn chế. (Ảnh: Reuters)
Matt Pottinger - cố vấn chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Trung Quốc, cho biết: “Không ai ở Washington lại thực sự đe dọa tách biệt hoàn toàn hai nền kinh tế này với nhau... Sự tách rời ở mức độ hạn chế, chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực công nghệ then chốt”.
Các nhà phân tích cũng nhận thấy Biden sẽ thu hẹp phạm vi của những hạn chế này trong 100 ngày tới và hơn thế nữa để tránh chia rẽ hoàn toàn với Bắc Kinh. Theo chuyên gia Sourabh Gupta, đây là thời điểm chín muồi để ông Biden bắt đầu loại bỏ các mức thuế trừng phạt với Trung Quốc, vốn "gây thiệt hại cho cả hai bên".
Tuy nhiên, Weifeng Zhong, thành viên cấp cao của Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason, cho rằng “Mỹ và Trung Quốc không thể quay lại những gì từng diễn ra trong 20 năm qua trong mối quan hệ song phương”, sự phân tách, tính đối kháng giữa hai nước ngày càng cao.
Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố vào tháng trước cho thấy sự đồng thuận rất lớn ở Mỹ khi đề cập đến Trung Quốc. Theo đó, khoảng 89% người trưởng thành ở Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hoặc kẻ thù.
Cần cứng rắn hơn?
Mặc dù trong 100 ngày qua, ông Biden đã cho thấy cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc trên một số lĩnh vực, song một số nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn nhấn mạnh từng đó là chưa đủ mạnh, cho rằng ông Biden vẫn quá thân thiện với Bắc Kinh. “Ông ấy là thảm họa về chính sách đối ngoại. Nga và Trung Quốc đang át chế Biden”, Fox News dẫn lời thượng nghị sĩ Cộng hòa Nam Carolina, Lindsey Graham, cho hay.
Trong khi đó, phe diều hâu của đảng Cộng hòa bao gồm các thượng nghị sĩ Ted Cruz và Rick Scott chỉ trích chính sách mềm mỏng của Biden đối với Trung Quốc, trong đó có quyết định đưa Washington tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Rick Scott chỉ trích ông Biden "chi tiêu quốc phòng hạn chế", đang tìm cách "xoa dịu quan hệ với Trung Quốc”
Đảng Cộng hòa cũng ủng hộ quyết định của Biden cử đặc phái viên khí hậu John Kerry đến Thượng Hải trong tháng này để gặp những người đồng cấp Trung Quốc, bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tìm kiếm các nhượng bộ để đổi lại các cam kết về khí hậu.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ hôm 28/4, Tổng thống Joe Biden đã đề xuất một chương trình đầu tư trong nước trị giá hàng nghìn tỷ USD. Đây được coi là chìa khóa để thách thức tham vọng toàn cầu của Trung Quốc và củng cố vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Ngoài ra, người đứng đầu Nhà Trắng cũng không quên “dằn mặt” Trung Quốc, xác định cạnh tranh với Bắc Kinh là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất mà nước này phải đối mặt. Ông Biden cũng tuyên bố duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như gây sức ép với Bắc Kinh về nhân quyền, giải quyết sự mất cân bằng thương mại...