Mùa hè của Tổng thống Joe Biden trở nên sôi sục bởi làn sóng phản chiến lan rộng khắp các trường đại học trên toàn nước Mỹ. Bên cạnh đó, cơn bão giá mà cử tri Mỹ đang oằn mình hứng chịu cũng là nguyên nhân khiến họ mất dần niềm tin vào những tuyên bố tranh cử của ông.
Quan hệ Mỹ-Israel cũng ngày càng căng thẳng khi Thủ tướng Netanyahu giữ nguyên quyết định tấn công Rafah, dù ông Biden tuyên bố sẽ ngừng viện trợ quân sự nếu thành phố này trở thành mục tiêu tiếp theo của Tel Aviv. Trong trường hợp xung đột tại Gaza tiếp tục leo thang, không loại trừ khả năng ông Biden sẽ phải nhường chiếc ghế tổng thống cho người kế nhiệm, nếu không tìm ra chiến lược “lội ngược dòng”.
Tổng thống Joe Biden. (Ảnh: Getty)
Ông Biden mất điểm vì vấn đề Gaza
Tổng thống Biden đang phải chịu áp lực lớn từ các nhà hoạt động xã hội và cử tri gốc Ả Rập ở bang chiến địa Michigan do cuộc chiến ở Gaza đã khiến gần 35.000 người Palestine thiệt mạng chỉ trong hơn 7 tháng giao tranh.
Năm 2020, tại bang Michigan, ông Joe Biden giành chiến thắng trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump với cách biệt sít sao hơn 150.000 phiếu bầu. Hai nhóm cử tri giúp ông vượt lên dẫn trước ở Michigan và các bang chiến trường quan trọng khác, trong đó có Pennsylvania và Wisconsin, là những người Mỹ theo đạo Hồi và người Mỹ gốc Ả Rập.
Các bang chiến địa luôn là những biến số quan trọng có khả năng quyết định kết quả bầu cử tổng thống. Khi cuộc tổng tuyển cử tháng 11 đang đến gần, ông Biden lại để mất những lá phiếu từng đưa ông vào Nhà Trắng, khi 95% nhóm cử tri theo đạo Hồi cho biết sẽ lựa chọn một ứng viên khác, theo cuộc thăm dò do nhóm hoạt động Hồi giáo Emgage thực hiện gần đây.
Tuyên bố ngừng viện trợ của Tổng thống Mỹ không chỉ làm quan hệ với Israel thêm rạn nứt mà còn khiến ông tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công của đảng Cộng hòa.
“Đây là một tính toán chính trị của Tổng thống nhằm thoát khỏi cuộc xung đột Israel-Hamas. Ông ấy đã thất bại trong việc lãnh đạo”, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Thom Tillis nói. Cùng quan điểm, Thượng nghị sỹ Missouri Josh Hawley cho rằng “Israel sẽ phải đơn độc trong cuộc chiến” vì ông Biden “ưu tiên cuộc bầu cử Tổng thống hơn vấn đề Gaza”.
Ông Biden đang cố gắng bảo vệ mình khỏi tác động chính trị từ làn sóng phản chiến bằng cách yêu cầu cử tri ngừng phá hoại tài sản trong quá trình biểu tình, dù vẫn tôn trọng các quyền tự do của họ.
Đầu tuần này, tại một sự kiện tưởng nhớ các nạn nhân Do Thái thiệt mạng trong Thế chiến II trên Đồi Capitol, ông lên án quan điểm bài Do Thái xuất hiện trong một số cuộc biểu tình. Tổng thống Mỹ cho rằng, bên cạnh việc bảo vệ những người Palestine trong cuộc chiến tại Gaza, công chúng cũng không nên “phủ nhận và phớt lờ sự khủng khiếp của cuộc tấn công ngày 7/10”.
Các cuộc thăm dò cho thấy xung đột Israel-Hamas nằm trong danh sách các vấn đề khiến cử tri quan tâm nhất, gồm cả những cử tri trẻ thường có xu hướng không quan tâm đến vấn đề chính trị. Trong một cuộc bầu cử mà kết quả thắng thua chỉ được quyết định bằng vài lá phiếu, khả năng các cử tri Đảng Dân chủ quay lưng với ông Biden hoặc quyết định không đi bầu là tình trạng đáng báo động đối với Tổng thống đương nhiệm.
Vấn đề Gaza kéo theo nỗi lo kinh tế
Trong vấn đề kinh tế, Tổng thống Biden vẫn luôn xếp sau đối thủ Trump. Một cuộc thăm dò của CNN vào tháng 4 cho thấy, 62% cử tri bày tỏ sự tín nhiệm đối với ông Trump trong việc điều hành kinh tế, trong khi ông Biden chỉ đạt 30%. So với cuộc chiến ở bên kia địa cầu, rõ ràng vấn đề kinh tế có tầm quan trọng lớn hơn trong lòng cử tri Mỹ.
Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thâm hụt tài khoá của Mỹ năm tới có thể đạt mức kỷ lục 7,1%; cao hơn 3 lần mức trung bình l(khoảng 2%) của các nền kinh tế phát triển khác. Nhiều cử tri cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ thâm hụt là khoản viện trợ quân sự khổng lồ của Nhà Trắng dành cho Ukraine và Israel.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 8/5, sau khi bày tỏ niềm cảm thông đối với tình hình khó khăn mà người Mỹ đang trải qua, Tổng thống Biden bác vẫn bỏ quan điểm cho rằng nền kinh tế đang trở nên tồi tệ.
“Khi tôi bắt đầu lên nắm quyền, mọi người đều nói rằng nền kinh tế sẽ sụp đổ. Nhưng hiện nay, chúng ta vẫn có nền kinh tế mạnh nhất thế giới”, ông Biden nói.
Việc ông Biden bày tỏ sự cảm thông đối với cử tri có thể là một chiến lược đúng đắn. Trong đợt tranh cử năm 1992, cựu Tổng thống George Bush mất điểm trước câu hỏi: “Làm thế nào để tìm ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế nếu không thực sự hiểu điều gì đang khiến người dân vướng bận?” do câu trả lời của ông được đánh giá là “thiếu kết nối” với cử tri.
Ngay sau đó, đối thủ Bill Clinton đưa ra đáp án thỏa lòng mong đợi của công chúng khi khẳng định ông “hiểu nỗi đau” của những người thất nghiệp với cương vị Thống đốc bang Arkansas và sẽ giải quyết vấn đề kinh tế theo cách riêng, thay vì thực hiện “học thuyết Bush” vốn đã không còn phát huy hiệu quả.
Cựu Tổng thống Bill Clinton. (Ảnh: Politico)
Câu trả lời truyền cảm hứng của ông Clinton đã đưa ông vào Nhà Trắng chỉ vài tháng sau đó.
Hiện ông Biden có nhiều thời gian hơn người tiền nhiệm Bush trong việc thuyết phục cử tri rằng nền kinh tế sẽ được cải thiện một khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu giảm lãi suất trong thời gian tới. Quyết định ngừng viện trợ vũ khí cho Israel cũng có thể xoa dịu cơn giận của cử tri, đồng thời tiết kiệm cho ngân khố Mỹ một khoản không nhỏ.
Học tập chiến lược của cựu Tổng thống Clinton, ông Biden cũng cố gắng bày tỏ sự đồng cảm với người lao động nhiều hơn một tổng thống có xuất thân tỷ phú như ông Trump bằng cách đưa ra chính sách tăng thuế người giàu.
May mắn có vẻ như vẫn ở lại với ông Biden khi đối thủ Trump đang vướng phải những lùm xùm pháp lý và các món nợ khổng lồ, khiến cựu tổng thống không còn thời gian cho các sự kiện tranh cử bên ngoài phòng xử án. Tuy nhiên, sức nóng từ cuộc chiến pháp lý và những tuyên bố chỉ trích ông chủ Nhà Trắng trong vấn đề Gaza của ông Trump thu hút sự quan tâm từ cử tri vẫn có khả năng giữ cựu tổng thống ở lại cuộc đua năm nay.
Kế hoạch tiếp theo của ông Biden
Có lẽ, Tổng thống Mỹ cần hướng sự chú ý của dự luận vào những vấn đề khác mà ông đang chiếm ưu thế.
Ông Biden đang ghi điểm trong mắt cử tri trong vấn đề phá thai - một trong những chủ đề nổi cộm trên đường đua tới ghế tổng thống năm nay. Ông Trump cho rằng quyết định tuyệt đối trong vấn đề này thuộc về cấp bang, điều này mở ra cơ hội lật ngược thế cờ cho đảng Dân chủ trong việc bảo vệ quyền phá thai hợp pháp trên toàn quốc cho người Mỹ.
Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Haris đang nỗ lực theo đuổi chiến dịch bảo vệ quyền tự do sinh sản cho người Mỹ thông qua các sự kiện gần đây tại các bang chiến trường như Virginia và Wiscosin.
Bên cạnh đó, các cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Mỹ. Đấu tranh giữa hai đảng và rạn nứt trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng sẽ khiến lòng tin của cử tri Mỹ giảm sút, và mục tiêu lớn của ông Biden vẫn là thuyết phục họ tin vào chính sách kinh tế của chính quyền mình thông qua con đường truyền thông. Có tới 65% cử tri cho rằng tình hình hiện nay tồi tệ hơn so với thời điểm ông Trump nắm quyền.
Theo giới chuyên gia, năm nay, cơ hội tái đắc cử của ông Biden không vượt quá 50% và những người ủng hộ Tổng thống nên chấp nhận thực tế rằng cánh cửa để ông Trump giành lại Nhà Trắng đang rất rộng mở, nếu chiến lược tranh cử sắp tới của ông Biden không phát huy hiệu quả như kỳ vọng do vướng phải “hòn đá tảng” Gaza.