Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vài triệu đồng, lấy 'bằng đại học' trong 5 ngày

(VTC News) -

“Giá chỉ vài triệu đồng, giao tận tay bằng cao đẳng, đại học phôi gốc, chữ ký sống, mộc sống, bằng thật của trường tuồn ra, kèm bảng điểm và 3 bản photo công chứng”.

Đó là "cam kết" của dịch vụ làm bằng giả quảng cáo tràn lan trên mạng.

"Bằng phôi gốc, xin việc thoải mái"

Từ lời rao trên mạng, để tìm hiểu thực hư, phóng viên liên hệ qua điện thoại với một người đàn ông tự xưng có thể làm bằng đại học. Người này nói có thể làm được tất cả các loại giấy tờ từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân, đăng ký xe, bằng cấp 2, cấp 3, trung cấp, cao đẳng cho đến đại học của tất cả các trường. Giá của bằng đại học là 4 triệu đồng, không cần đặt cọc trước.

Bằng thật của trường tuồn ra, chữ ký sống, mộc sống. Cầm đi xin việc thoải mái không lo nghĩ. Bên anh làm 4-5 ngày là em nhận được. Bên anh phôi gốc khách mới dám nhận và feedback cho anh, chứ bậy bạ là hết làm ăn rồi em”, người này nói.

Người bán khẳng định bằng thật của trường tuồn ra

Khi “khách hàng” đồng ý, bên bán sẽ gửi mẫu thông tin gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, trường, ngành, năm tốt nghiệp, hình thức đào tạo (đại học, cao đẳng, trung cấp), mã sinh viên, lớp, khoá, xếp loại, chụp 2 mặt CMND/CCCD gửi qua zalo, số điện thoại và địa chỉ nhận hàng để khách điền vào.

Em điền theo mẫu này, chỗ nào không biết để trống”, người bán nói.

Phóng viên để trống mục mã sinh viên, lớp, khoá và không gửi ảnh chụp CMND/CCCD thì được người này báo đã đủ thông tin, thiếu gì họ sẽ tự bổ sung.

Khách đòi xem bằng trước thì không được đồng ý kèm giải thích: "Anh làm xong ship đi, không có chụp lại, bảo mật thông tin khách hàng, em gửi đầy đủ thông tin anh sẽ gửi trường làm. Em được kiểm tra hàng khi ship giao đến, đúng nhận, sai trả về không cần thanh toán”.

Bằng sẽ được bỏ vào khung tranh và ship tới người mua

Hàng anh ship tên “Khung tranh”. Em nhận luôn khung tranh, không trả về khung tranh cho shipper nhé. Em được bảo hành 6 tháng, mất liên hệ anh làm lại free. Em nhận luôn khung tranh và biên lai. Tuyệt đối không đưa lại khung tranh và bao bì có mã vận chuyển cho shipper, em giữ để được bảo hành 6 tháng”, người này nói.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với một người chuyên làm bằng khác, người này báo giá bằng đại học là 4 triệu đồng.

Em gửi thông tin, anh làm thì chiều tối có bằng luôn, bằng phôi thật. Anh ở Sài Gòn, gửi ra Hà Nội cho em thì khoảng 2 ngày là nhận được. Không phải cọc, chốt uy tín cho anh là được, bao giờ bưu tá giao hàng thì em thanh toán cho họ luôn”, người này nói.

Chỉ sau vài giờ, bằng của phóng viên đặt làm đã được in xong. Người bán yêu cầu chuyển vào số tài khoản thuộc ngân hàng Vietinbank chi nhánh số 9-TP. HCM với nội dung “mua hàng online”

Phóng viên ngỏ ý muốn thanh toán bằng hình thức chuyển khoản thay vì ship - COD (nhận hàng - trả tiền) vì không tin tưởng bên giao hàng. Ban đầu, người bán gạt bỏ giải pháp này nhưng sau một hồi thuyết phục đã đồng ý: “Cũng được, giờ em kết bạn Zalo, gửi thông tin qua cho anh. Chiều có bằng anh chụp ảnh gửi em rồi em chuyển khoản cho anh”.

 

Bằng tốt nghiệp và phiếu điểm đại học Thương mại được làm theo yêu cầu của phóng viên

Đại học Thương mại: Đây là bằng giả

Trước thông tin đối tượng khẳng định là phôi gốc, chữ ký sống, mộc sống, phóng viên đã cung cấp hình ảnh tấm bằng và bảng điểm đến các phòng ban có liên quan của Trường Đại học Thương mại để xác minh thông tin.

Sau khi xác minh, PGS.TS Lê Thị Thanh Hải - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Thương mại nói đây là bằng giả và bảng điểm giả.

"Qua đánh giá ban đầu thì có thể khẳng định là bằng giả và bảng điểm giả, không phải của trường cấp. Lý do bởi từ khi K48 tốt nghiệp (năm 2016) trở lại đây, bảng điểm của sinh viên tốt nghiệp sẽ do Trưởng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ký, còn K47 trở về trước là Trưởng phòng Quản lý đào tạo”, bà Hải nói.

Theo cán bộ Đại học Thương mại, phiếu kết quả xác nhận học tập (bảng điểm) của trường này từ năm 2016 trở lại đây sẽ do trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ký chứ không phải là trưởng phòng Đào tạo như của phóng viên đặt mua. Trong ảnh: Phiếu kết quả xác nhận học tập được Đại học Thương mại cấp cho sinh viên K50 tốt nghiệp năm 2018 (bên trái), Phiếu điểm phóng viên đặt mua qua mạng (bên phải, gạch đỏ)

Thông qua phần mềm tra cứu văn bằng, chuyên viên của Phòng Đào tạo - Trường Đại học Thương mại nói số hiệu trên tấm bằng mà phóng viên cung cấp không hề có dữ liệu trên hệ thống của nhà trường.

Người này nói thêm, chữ ký của GS.TS Đinh Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, cũng là chữ ký giả.

Số hiệu trên tấm bằng mà phóng viên mua được nói là không hề có trên hệ thống, chữ ký của GS.TS Đinh Văn Sơn, nguyên hiệu trưởng Đại học Thương mại, cũng được nói là giả mạo. Trong ảnh: bằng tốt nghiệp được Đại học Thương mại cấp cho sinh viên K50 tốt nghiệp năm 2018 (bên trái), Bằng tốt nghiệp phóng viên đặt mua qua mạng (bên phải, gạch đỏ)

Anh Nguyễn Văn Chi (*), sinh năm 1996, quê Thanh Hóa kể, giữa năm 2021, anh có mua một tấm bằng giả chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí của Đại học Công nghiệp với giá 4 triệu đồng. “Tôi tìm hiểu thông tin trên mạng, sau khi đặt mua thì họ gửi qua Viettel Post theo hình thức nhận hàng, trả tiền. Người gửi có địa chỉ ở Hải Phòng. Cuối năm 2021, tôi vào Bình Dương và xin vào làm tại Công ty TNHH T…Việt Nam (có vốn đầu tư Nhật Bản-PV) với tấm bằng giả đó. Vì một số người bạn của tôi cũng làm ở đó, họ nói rằng bằng cấp ở đây cũng chỉ là thủ tục thôi nên không phải lo lắng gì cả”.

(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.

Anh Văn

Tin mới