Theo các chuyên gia, vaccine hiện được xem là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu bên cạnh việc tuân thủ các giải pháp chống dịch theo quy định. Khi 60-70% dân số được tiêm thì sẽ đạt miễn dịch trong cộng đồng. Như vậy với 100 triệu dân, Việt Nam phải tiêm được 60-70 triệu người. Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn, vì vậy việc tiêm chủng mở rộng là bước đi quan trọng để ngăn đại dịch COVID-19.
Năm 2021, Việt Nam dự kiến nhập khẩu khoảng 90 triệu liều vaccine COVID-19, hoàn thành tiêm chủng cho khoảng 20% dân số. Tuy nhiên kế hoạch này có nguy cơ đổ bể vì thiếu hụt nguồn cung vaccine COVID-19.
Tại buổi giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 11/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu bật vấn đề này. Ông cho biết, nguồn vaccine trên thế giới rất khan hiếm. Vì vậy, dù rất nỗ lực nhưng từ giờ đến cuối năm Bộ Y tế cũng chỉ có thể nhập được số lượng nhỏ.
"Bộ Y tế đang tích cực bàn cách để có vaccine sớm nhất. Nhưng dự kiến phải đến cuối năm mới có một lượng vaccine nhất định và nếu tiêm hết lượng đó thì cuối năm vẫn chưa đủ để miễn dịch cộng đồng", Phó Thủ tướng nói. "Như vậy, ít nhất từ giờ đến cuối năm chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp giống như lúc chưa có vaccine".
Theo Bộ Y tế, tính đến 16h ngày 8/5/2021, Việt Nam tiêm chủng vaccine COVID-19 cho 832.635 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội…
Tính ra, tỷ lệ tiêm tại nước ta đạt 0,7% dân số. Đây là tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM bày tỏ, với tiến độ tiêm chủng khoảng 50.000 người/ ngày, Việt Nam cần ít nhất gần một năm mới hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 20% dân số. Con số này tương đương khoảng 18 triệu người.
Hôm 24/2, hơn 117.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca (Anh) về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Đây là lô vaccine do Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) nhập khẩu. VNVC đặt mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong năm 2021 và được giao thành nhiều đợt.
Về lộ trình, quý 1 Việt Nam dự kiến có 1,3 triệu liều, số còn lại về Việt Nam trong tháng 3. Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều và quý 3 có 25,9 triệu liều. Quý 4 có 51,1 triệu liều.
Tuy nhiên theo phân tích của bác sĩ Trương Hữu Khanh, cuối tháng 2/2021, Việt Nam mới tiếp nhận 117.600 liều vaccine đầu tiên của AstraZeneca và nhận thêm 811.200 liều vaccine từ COVAX Facility sau đó một tháng. Dự kiến cuối tháng 5, Bộ Y tế tiếp nhận thêm 3,37 triệu liều vaccine COVID-19 từ COVAX Facility. Như vậy sau nửa năm, chúng ta mới chỉ nhận được khoảng 4,4 triệu liều vaccine COVID-19.
Con số này chỉ bằng 4,8% so với mục tiêu đề ra ban đầu. Đồng nghĩa Bộ Y tế chỉ có 6 tháng để nhập khẩu hơn 85 triệu liều vaccine COVID-19. Chưa kể kế hoạch phân phối 60 triệu liều vaccine từ COVAX Facility đang có nguy cơ bị đẩy lùi một phần sang năm 2022.
Do vậy mục tiêu gom đủ 85 triệu liều vaccine COVID-19 trong 6 tháng không hề dễ dàng, nhất là khi nguồn cung vaccine sản xuất không đủ nhu cầu. Cùng với đó là sự cạnh tranh của nhiều nước lớn.
"Các nguồn cung ứng vaccine COVID-19 đều đang bị quá tải trong khi nhu cầu tiêm vaccine COVID-19 lại quá lớn. Chưa kể các nước lớn trên thế giới cũng đang ráo riết tìm nguồn cung vaccine COVID-19. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia đang phát triển như Việt Nam", bác sĩ Khanh nói.
Ông cũng cho rằng trong bối cảnh này, chúng ta cần đa dạng hóa các nguồn cung vaccine COVID-19, trong đó tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên quá trình này cần có thời gian và chưa thể khẳng định trong năm nay Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine COVID-19.
Vấn đề nguồn cung vaccine cũng từng được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói tại hội nghị tập huấn công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc ngày 26/3: Cuộc chạy đua vaccine và thiếu hụt nguồn cung đang hiện hữu.
Thống kê cho thấy, gần 30 nước mua quá nhu cầu sử dụng, thậm chí có nước vượt quá 400%. Một số quốc gia ngay từ đầu năm 2020 đã đặt hàng mua rủi ro, cứ có vaccine là tiếp cận. Do vậy việc khan hiếm vaccine là thách thức với tất cả các nước, nhất là nước đang phát triển như Việt Nam.
Hiện cả nước có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 theo các hướng công nghệ khác nhau. Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của VABIOTECH, IVAC, NANOGEN cho thấy các ứng viên vaccine có tính an toàn trên động vật và sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2. Trong đó loại vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (NANOGEN) đang được đề xuất nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Theo kế hoạch, Nano Covax sẽ được nghiệm thu kết quả giai đoạn 2 vào tháng 5/2021 theo đúng tiến độ, nghiên cứu giai đoạn 3 từ tháng 5 đến tháng 9/2021 và nghiệm thu kết quả, đăng ký lưu hành vào khoảng tháng 9/2021, rút ngắn 3 tháng so với kế hoạch. Dự kiến, hệ thống theo dõi đánh giá hiệu lực bảo vệ tại Việt Nam và một số nước ngoài sẽ được thiết lập từ tháng 9/2021-9/2022.
Việc phát triển và sản xuất được vaccine COVID-19 “made in Vietnam" là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, Bộ Y tế không thể chờ đợi nguồn vaccine này trong khi nhu cầu tiêm vaccine đang tăng cao. Thời gian này, Bộ Y tế cần tích cực hơn trong việc tìm nguồn cung vaccine COVID-19.
Theo một chuyên gia, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có hệ thống nghiên cứu, kỹ thuật và nhân lực, sản xuất vaccine. Tuy nhiên, sản xuất được loại vaccine COVID-19 đòi hỏi trình độ nghiên cứu cao, còn chúng ta đang thiếu những nguồn tiếp cận đầy đủ về loại virus này.
Bên cạnh đó hệ thống dây chuyền sản xuất của Việt Nam chưa đủ sức sản xuất đại trà hàng chục triệu liều vaccine. Nguy cơ hệ thống y tế khủng hoảng là có thật nếu không thể tiêm sớm vaccine COVID-19 trên diện rộng.
Dự kiến tháng 9 năm nay chúng ta sẽ có vaccine COVID-19 đầu tiên tự sản xuất. Nhưng đến thời điểm này, thông tin về tiến độ thử nghiệm của giai đoạn 3 vẫn khá mù mờ. Vì thế vị chuyên gia này nghĩ trường hợp xấu nhất là chúng ta phải đợi đến năm sau mới có vaccine COVID-19 “made in Vietnam”.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế từng nhấn mạnh, phát triển vaccine phòng COVID-19 là con đường tất yếu phải đi nếu muốn chủ động nguồn cung cấp vaccine phục vụ người dân.
Với điều kiện cơ sở vật chất hiện có, IVAC khả năng sản xuất với quy mô 6 triệu liều/năm, có thể nâng lên 30 triệu liều/năm, Nanogen có thể sản xuất với quy mô 20 triệu liều/năm, có thể nâng lên 100 triệu liều/năm. Công nghệ sử dụng giá thể vector virus để sản xuất vaccine mà VABIOTECH và POLYVAC đang sử dụng cho phép có thể nâng được công suất lên nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang tích cực đàm phán với các nước để có thêm vaccine COVID-19 như Công ty Pfizer (Mỹ), Liên bang Nga.
Trong tuyên bố đưa ra hồi tháng 2, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án việc phân phối vaccine "không đồng đều và không công bằng" trên toàn cầu. Ông Guterres chỉ ra rằng chỉ riêng 10 quốc gia lớn đang chiếm giữ tới 75% tổng số nguồn cung vaccine, trong khi tới 130 quốc gia chưa nhận được liều vaccine nào. Con số này đến nay dù cải thiện nhưng không thay đổi bức tranh toàn cảnh, đặc biệt từ khi Ấn Độ - "công xưởng vaccine" thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng COVID-19 thứ hai.
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng khan hiếm này, về cả ý chí chính trị lẫn thực tế sản xuất.
Đầu tiên, phải kể đến việc trên thế giới có rất ít nhà máy được cấp phép sản xuất vaccine. Bên cạnh đó, nhân lực có trình độ chuyên môn chế tạo vaccine cũng hạn chế, những người giỏi lại phải làm quá nhiều việc ngay cả trước khi đại dịch diễn ra. Đồng thời, năng lực sản xuất nguyên phụ liệu sinh học, môi trường nuôi cấy tế bào,... và các ngành phụ trợ cho vaccine cũng không phổ biến.
“Chúng tôi không đột nhiên ngừng sản xuất mọi loại vaccine khác”, bà Sarah Schiffling, chuyên gia về chuỗi cung ứng dược phẩm và cứu trợ nhân đạo tại Đại học Liverpool John Moores (Anh), nói. “Chúng tôi đặt ưu tiên hàng đầu sản xuất vaccine COVID-19. Năng suất được tăng gấp đôi. Các chuỗi cung ứng ở mức độ hiện nay thường mất nhiều năm để thực hiện được”.
Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - Viện Huyết thanh của Ấn Độ - đang sản xuất vaccine COVID-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Họ dự kiến cho ra được một tỷ liều trong năm nay, ngoài khoảng 1,5 tỷ liều vaccine được sản xuất hàng năm cho những căn bệnh khác. Tuy nhiên, cần phải mất nhiều tháng để đạt được tốc độ đó.
Nhà máy sản xuất vaccine của BioNTech ở Đức. (Ảnh: NDTV)
Thứ hai, vấn đề bản quyền sáng chế và nguồn cung nguyên phụ liệu vấp phải tình huống bảo hộ độc quyền. Các doanh nghiệp dược sáng chế vaccine COVID-19 muốn bán đắt hàng, vì thế họ không muốn sản phẩm trí tuệ của mình được sử dụng rộng rãi và miễn phí.
Nhiều người ủng hộ chăm sóc sức khỏe cộng đồng kêu gọi các chính phủ phương Tây buộc các nhà sản xuất thuốc chia sẻ quy trình được cấp bằng sáng chế của riêng họ với những quốc gia khác thế giới. Không có nhà sản xuất vaccine nào làm vậy một cách tự nguyện và không có chính phủ nào nói rằng họ sẽ đi theo hướng giải quyết đó.
Với khả năng sản xuất còn hạn chế và mức độ phát triển vaccine gần đây, việc chia sẻ bằng sáng chế có thể không làm tăng đáng kể nguồn cung tại thời điểm này. Nhưng trong tương lai, khi năng suất được nâng cao, đây có thể trở thành một yếu tố quan trọng giúp giải quyết sự thiếu hụt.
Nhưng trước khi điều đó diễn ra, Hoa Kỳ và các quốc gia khác hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu sản xuất vaccine. Điều này gây ra sự chỉ trích dữ dội, đặc biệt là từ Ấn Độ - đất nước đang phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh chưa từng thấy. Hôm 16/4, Adar Poonawalla - Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh của Ấn Độ - kêu gọi chính quyền Biden dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với việc xuất khẩu nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất vaccine.
Chính quyền Tổng thống Biden hứa nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Ấn Độ, cho phép các liều vaccine thành phẩm tới với người dân quốc gia Nam Á. Tuy nhiên, họ vẫn chưa sẵn lòng xuất khẩu nguyên liệu sản xuất "viên đạn bạc" cho toàn thế giới.
Khó khăn thứ ba phải kể đến, đó là quy trình sản xuất quá phức tạp. Ngay cả với một sản phẩm đã có tên tuổi và cung cầu ổn định, việc sản xuất vaccine vẫn cần một quy trình cẩn thận và chính xác. Với loại vaccine mới, dây chuyền sản xuất mới và kỳ vọng toàn cầu ngày càng cao, việc đó càng trở nên khó khăn hơn.
Cả AstraZeneca và Johnson & Johnson, hai trong số các công ty dược phẩm lớn nhất thế giới, đều gặp phải sai lầm nghiêm trọng trong quá trình sản xuất vaccine COVID-19 của họ.
Trong khi đó, các liều vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna được sản xuất dựa trên một đoạn mã di truyền của coronavirus được gọi là mRNA (viết tắt của messenger RNA). Cho đến năm ngoái, quy trình đó chưa bao giờ được sử dụng trong một loại vaccine bất kì được sản xuất hàng loạt. Nó yêu cầu thiết bị, nguyên liệu, kỹ thuật và chuyên môn khác với vaccine tiêu chuẩn. Loại vaccine này cũng yêu cầu nhiệt độ cực lạnh – kỹ thuật chỉ phổ biến ở các quốc gia giàu có tính tới thời điểm hiện tại.
Nhiều công ty dược phẩm khẳng định có thể đảm nhận việc sản xuất số lượng vaccine khổng lồ, nhưng các chuyên gia cho rằng họ có thể sẽ cần nhiều thời gian và đầu tư đáng kể để chuẩn bị. Sự thận trọng là điều cần thiết để đảm bảo không có sai sót nào trong việc bảo vệ con người trước thảm họa COVID-19.
Lô vaccine COVID-19 chuyển đến Costa Rica theo chương trình COVAX. (Ảnh: UNICEF)
Không thể không tính đến sự chậm trễ của chiến dịch COVAX. Các mũi tiêm của AstraZeneca - được cho là xương sống của toàn bộ nỗ lực COVAX - gặp nhiều rắc rối khi có quá nhiều phản ứng phụ xảy ra đối với người tiêm. Điều đó khiến công chúng thận trọng hơn khi sử dụng vaccine.
Đồng thời, nguồn cung cho chiến dịch COVAX cũng gặp vấn đề. Ấn Độ là nhà cung cấp chính cho chương trình COVAX. Trước khi đại dịch bùng phát, Ấn Độ bán hơn 54 triệu liều vaccine ra nước ngoài và hào phóng tặng hơn 10 triệu liều cho các nước đối tác. Nhưng khi sóng thần COVID-19 ập tới vào cuối tháng 3, New Delhi ngừng xuất khẩu vaccine ra nước ngoài. Động thái này vô hình trung làm trì hoãn chiến dịch tiêm chủng vaccine ở hơn 60 quốc gia khác, chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Phi.
Cuối cùng, chủ nghĩa dân tộc vaccine khiến nguồn cung vaccine cho toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Nước Mỹ từng yêu cầu các nhà sản xuất dược phẩm nhận viện trợ phát triển hoặc mở rộng sản xuất vaccine phải bán những liều vaccine đầu tiên được sản xuất cho chính phủ. Đồng thời, quốc gia này cũng bị Nga tố cáo gây sức ép để Brazil không mua vaccine Sputnik V của Matxcơva.
Theo báo cáo công bố hồi tháng 2, tổ chức phi lợi nhuận ONE Campaign cho biết, các quốc gia giàu có đang tích trữ số vaccine ngừa COVID-19 nhiều hơn 1 tỷ liều so với nhu cầu thực tế. Cá biệt, Canada đặt mua số lượng vaccine đủ dùng cho mọi người dân trong nước tới 5 lần tiêm. Trong khi đó, một số quốc gia châu Phi thậm chí còn chưa hề được tiếp cận với liều vaccine COVID-19 nào kể từ khi đại dịch hoành hành đầu năm 2020.
Nghiên cứu của Đại học Duke chỉ ra rằng nhóm quốc gia có thu nhập cao chiếm 16% dân số thế giới hiện ôm trọn hơn 50% nguồn cung vaccine ngắn hạn. Các chuyên gia ước tính 80% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp sẽ không được tiêm chủng cho tới cuối năm 2021.
Với các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, số lượng ca mắc và chết vì COVID-19 giảm mạnh. Nhưng trên toàn cầu, số ca bệnh mới vẫn tăng cao mỗi tuần.