PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, từ lâu chúng ta đã biết đến các loại vaccine này có thể mang lại tác dụng phụ.
Vấn đề huyết khối chỉ xảy ra trong 28 ngày sau khi tiêm, muộn nhất là 2 tháng. Trong khi đó, loại vaccine này được tiêm chủng tại Việt Nam từ năm 2021 và đến nay chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm.
"Việc hình thành huyết khối hay giảm tiểu cầu sau thời gian tiêm dài là không có", PGS Dũng nói. "Tôi ví dụ có người ăn tôm bị dị ứng luôn nhưng tới 1,2 tháng sau thì chắc chắn không còn dị ứng".
Vaccine COVID-19 do AstraZeneca nghiên cứu và sản xuất.
Vị chuyên gia cho biết thêm, việc các cơ sở nghiên cứu, sản xuất dược, vaccine công bố về tác dụng phụ là điều bình thường, mỗi loại vaccine đều có tác dụng phụ nhất định. Vaccine COVID-19 của Moderna, Pfizer được chứng minh có thể gây viêm cơ tim. Tuy nhiên, khi cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại thì rõ ràng lợi ích mang lại lớn hơn.
Bên cạnh đó, thông tin của AstraZeneca giúp chúng ta biết được những nguy cơ của vaccine COVID-19 để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra sau này trong quá trình tiêm nếu có. Từ đó chúng ta có thêm nhiều nghiên cứu về các biến chứng bất lợi vaccine để giảm tác dụng phụ của chúng.
Tại thời điểm COVID-19 đang bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố các vaccine có thể tiêm được là hợp lý, do các lợi ích vaccine mang lại qua các thử nghiệm lâm sàng nhiều hơn so với nguy cơ. Trong 1 triệu người sử dụng vaccine AstraZeneca chỉ có 1 đến 2 người gặp tác dụng phụ, nhưng có đến hàng trăm nghìn người được bảo vệ trước COVID-19.
"Chúng ta không thể phủ nhận kết quả vaccine AstraZeneca mang lại. Việc tiêm vaccine đã giảm thiểu số người tử vong và khống chế được dịch bệnh", ông Dũng nói và đánh giá AstraZeneca vẫn là một trong những loại vaccine tốt tại thời điểm dịch bệnh lan rộng, phức tạp, nguy cơ tử vong cao, hoặc nếu dịch bệnh quay trở lại loại vaccine này vẫn là lựa chọn tốt.
Cùng nhận định, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên bày tỏ, ngay khi bắt đầu đưa vào sử dụng tiêm rộng rãi vaccine COVID-19 của AstraZeneca, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu từng nhận định, cảnh báo về vấn đề có thể gây cục đông máu.
Các tác dụng phụ của vaccine này nếu có thì chỉ xuất hiện sau khi tiêm từ 30 phút đến 60 phút, dài nhất là 24 giờ. Đây cũng chính là lý do sau mỗi lần tiêm vaccine ngừa COVID-19 mọi người đều được yêu cầu ở lại điểm tiêm chủng theo dõi sức khoẻ sau 1 giờ đồng hồ mới được ra về.
"Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu hay kết luận y khoa nào liên quan đến việc vaccine COVID-19 của AstraZeneca gây tác dụng phụ hay di chứng nghiêm trọng lên người bệnh, nhất là quãng thời gian dài sau tiêm từ 3 tháng trở lên", PGS Hoàng nói và thông tin, hầu hết các loại vaccine COVID-19 chỉ có tác dụng ngắn trong 3 - 6 tháng, sau đó buộc phải tiêm mũi nhắc lại để phòng bệnh.
Do đó, ông khuyên người đã tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca không cần lo lắng, hoàn toàn yên tâm về những loại vaccine đã được tiêm trong thời gian dịch bùng phát.
Trả lời báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin, khi đưa vaccine COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam tiêm chủng, ngành y tế rất thận trọng vấn đề về huyết khối đã ghi nhận ở châu Âu. Chúng ta vừa triển khai tiêm chủng, vừa kiểm tra, theo dõi, giám sát rất chặt.
Thực tế khi đó, vaccine trên khi tiêm chủng ở các nước châu Âu đã nhận thấy tỷ lệ nhất định người sau tiêm có hiện tượng huyết khối. Ủy ban Dược châu Âu đã yêu cầu ngừng tiêm chủng để kiểm tra. Kết quả cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ người bị huyết khối trước và sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng là rất thấp và gần như không có ý nghĩa thống kê.
Hàng chục triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca được tiêm chủng tại Việt Nam nhưng mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm.
"Đây là tỷ lệ vô cùng thấp. Việt Nam chưa ghi nhận sự chênh lệch có ý nghĩa trong cộng đồng. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo những người tiêm vaccine có nguy cơ huyết khối cao hơn so với những người không tiêm", PGS.TS Phạm Quang Thái nói trên báo Sức khỏe và Đời sống.
Liên quan vấn đề trên, trả lời báo chí sáng 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyên người từng tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cách đây 2 - 3 năm không nên hoang mang, lo lắng, bởi vaccine chỉ có tác dụng khoảng 1 năm. Bộ Y tế cũng đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.
Vaccine COVID-19 do Đại học Oxford và Tập đoàn dược AstraZeneca nghiên cứu sản xuất. Ngày 30/12/2020, vaccine lần đầu tiên được cấp phép sử dụng trong chương trình tiêm chủng tại Vương quốc Anh và được đưa vào tiêm chính thức từ ngày 4/1/2021.
Sau đó, loại vaccine này được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây cũng là một trong ba loại vaccine đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp từ ngày 15/2/2021.
Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vaccine COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, chúng ta đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.
Số vaccine này đã góp phần vào thành công trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trong năm 2022. Hàng trăm triệu người đã được tiêm từ 2-4 liều vaccine COVID-19, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna.