11h sáng nay (13/5), VFF sẽ họp với đại diện các bên liên quan để quyết định nhiều vấn đề cho bóng đá Việt Nam, trong đó có cách thức tiến hành phần còn lại của mùa giải V-League 2020, bên cạnh thông tin về giám đốc kỹ thuật mới hay chiến lược chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng như vòng loại World Cup 2022, AFF Cup 2020,...
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến V-League phải tạm dừng trong gần 3 tháng. Việc tái khởi động và thay đổi kết cấu mùa giải ra sao không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi CLB cùng hàng trăm cầu thủ, HLV, nhân viên, mà còn tác động tới kế hoạch của ĐTQG trong giai đoạn cuối năm.
V-League sắp trở lại.
Giảm tải số vòng V-League?
Sớm nhất, V-League chỉ có thể trở lại vào ngày 5/6. Ban điều hành sẽ phải tính toán để "nhồi" 24 vòng đấu còn lại vào khoảng thời gian 5 tháng (V-League kết thúc cuối tháng 10), trung bình 5 trận/tháng. Đây là mật độ có thể đảm bảo.
Tuy nhiên, nếu tính thêm cả cúp Quốc gia, lịch thi đấu sẽ nặng hơn từ 1 đến 5 trận tuỳ theo thành tích. Một đội lọt vào chung kết cúp Quốc gia sẽ đá 5 trận, tính thêm 24 trận ở V-League là 29 trận từ nay đến cuối mùa.
Với CLB TPHCM và Than Quảng Ninh, hai đại diện đang tham chiến tại AFC Cup, tình hình còn nan giải hơn nữa. Nếu hai đội này đi sâu, vào tới chung kết AFC Cup Đông Nam Á, số trận phải thi đấu thêm là 7 trận, lọt vào chung kết liên khu vực, số trận đá thêm sẽ là 11 trận.
Như vậy, một đội V-League có thể phải đá tối đa 40 trận trong 5 tháng, trung bình 2 trận/tuần liên tục đến hết mùa. Đó là mật độ kinh hoàng với cả các đội châu Âu. Tất nhiên, không phải CLB nào cũng đá AFC Cup hay đi sâu ở cúp Quốc gia. Về lý thuyết, con số 24 đến 29 trận trong 5 tháng không đến mức bất khả thi.
CLB TPHCM đối diện lịch thi đấu nặng.
Dù vậy, cần tính thêm những biến động bên lề, như việc giải đấu phải tạm nghỉ để tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup (dự kiến vào tháng 9, 10) hay HLV Park Hang Seo muốn giải kết thúc sớm để hội quân cho AFF Cup 2020.
Tùy theo tình hình, ban tổ chức giải sẽ phải co nén lịch thi đấu, nên có nguy cơ các đội phải đá mật độ dày trong nhiều tuần, trong bối cảnh các cầu thủ mới trở lại sau kỳ nghỉ dài bất đắc dĩ và dễ chấn thương nếu phải thi đấu nặng.
Nếu mỗi đợt tập trung tháng 9, 10 kéo dài khoảng 10-14 ngày theo lịch FIFA, V-League sẽ mất gần một tháng "rỗng" cho tuyển Việt Nam, quỹ thời gian càng ngắn hơn nữa. Chỉ 4 tháng để hoàn thành 24 vòng cộng với sân chơi cúp càng là nhiệm vụ khó nhằn.
Ông Nguyễn Húp, đại diện CLB Quảng Nam, cũng cho rằng đá và tập luyện liên tục sẽ là bất lợi cho các đội bóng miền Trung do thời tiết gió bão vào tháng 7, 8 có thể làm hỏng mặt cỏ. Ngoài ra, thi đấu với mật độ dày sau thời gian nghỉ dài (nhiều cầu thủ chỉ đá 2-4 trận trong 8 tháng qua) có thể khiến cầu thủ quá tải, dễ chấn thương.
Mở cửa cho khán giả vào sân?
Nhiều giải đấu nổi tiếng châu Âu như Bundesliga, Ngoại hạng Anh, Laliga, Serie A gần như chắc chắn sẽ cấm khán giả khi trở lại. Còn với V-League thì sao?
Đây cũng là vấn đề sẽ được mang ra bàn luận. Ở trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2019, mỗi đội tham dự (CLB TPHCM và Hà Nội FC) được mang giới hạn khoảng 50 CĐV vào sân. Các CĐV phải duy trì khoảng cách an toàn, cách xa nhau tối thiểu 2m và có lực lượng an ninh giám sát, nhắc nhở.
Các CĐV phải giữ khoảng cách trên khán đài?
Đây có thể sẽ là phương án ban tổ chức tính tới. Rất khó để khán giả vào lấp kín sân do tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch, nhưng phải chơi bóng trước khán đài trống là viễn cảnh không cầu thủ nào mong muốn. Bóng đá không có khán giả là bóng đá "chết". Dù vậy, an toàn sức khỏe cho các cầu thủ và chính khán giả vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.
Xét nghiệm cầu thủ hàng tuần?
Giải VĐQG Hàn Quốc (K-League) khởi tranh tuần trước có thể là phương án tham khảo cho các giải đấu khác. Các cầu thủ dự bị đeo khẩu trang. Cầu thủ trên sân không giữ khoảng cách, vẫn có sự va chạm. Vì vậy, khả năng lây bệnh là rất cao nếu không có sự phòng bị đủ tốt.
Cầu thủ dự bị ở K-League đeo khẩu trang.
Ngoài ra, cựu bác sĩ Eva Caneiro của Chelsea chỉ ra cầu thủ dễ nhiễm COVID-19 hơn người thường. "Họ thường xuyên bị ức chế miễn dịch. Và điều này đã được chứng minh qua các xét nghiệm máu và tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp hay các bệnh nhiễm trùng khác. Thêm việc các cầu thủ phải chơi ở cường độ cao, đôi khi 2 trận đấu chỉ cách nhau 72 tiếng, khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, tạo điều kiện virus xâm nhập", Caneiro nói.
Ngoài ra, cầu thủ cũng thường xuyên sinh hoạt trái giờ giấc, đồng thời phải di chuyển rất nhiều bằng đường bộ, hàng không. Do đó, để V-League trở lại, các cầu thủ bên cạnh phải kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, liệu có cần xét nghiệm hàng tuần không?
Ở Anh, các cầu thủ phải xét nghiệm hàng tuần, với tổng chi phí có thể lên tới 40 triệu bảng (hơn 1.000 tỷ đồng). Đây là khoản tiền khổng lồ, rất khó xoay sở. V-League giải quyết bằng cách nào, và nếu trong quá trình thi đấu có cầu thủ nhiễm COVID-19 thì phải xử lý ra sao, đây sẽ là vấn đề rất nan giải.