Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

V-League nguy cơ hoãn sang năm 2022: Đừng để đứt gãy bóng đá Việt Nam

(VTC News) -

Bóng đá Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng gián đoạn, đứt gãy trầm trọng nếu V-League không thể tiếp tục trong năm nay.

Chiều 19/7, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) gửi công văn xin ý kiến các CLB về giải pháp tổ chức tiếp phần còn lại của V-League 2021. Phương án được đưa ra là hoãn V-League đến tháng 2/2022. Mùa giải 2021 sẽ đi vào lịch sử khi kéo dài 15 tháng, vắt qua 2 năm dương lịch.

Đây là giải pháp an toàn với ban tổ chức giải, nhưng gây ra thiệt hại lớn cho các CLB và cầu thủ. Bóng đá Việt Nam đi về đâu nếu V-League rơi vào trạng thái "ngủ đông"?

V-League gặp nguy hiểm nếu nghỉ thi đấu quá dài. 

Thiệt hại khó đong đếm 

Nếu V-League hoãn tới tháng 2/2022, CLB và các cầu thủ chuyên nghiệp là những đối tượng đầu tiên hứng chịu hậu quả. Trả lời báo giới, Chủ tịch Văn Trần Hoàn của CLB Hải Phòng ước tính đội bóng thiệt hại 10 tỷ đồng nếu giải đấu kéo dài. Tuy nhiên, lãnh đạo một đội khác ở V-League cho rằng con số thực phải lớn hơn thế nhiều lần.

"Ban đầu, giải dự tính lùi đến 30/7, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng lùi đến 7 tháng nữa, tương đương cả một mùa giải thì thiệt hại về chi phí cho CLB rất lớn", giám đốc điều hành Trần Thái Toán của CLB Nam Định chia sẻ. 

Bên cạnh vấn đề tiền bạc, việc V-League 2021 nghỉ thêm 8 tháng sẽ tạo ra hố sâu đứt gãy khó bù đắp. Một nền bóng đá được vận hành trên hai nền tảng trụ cột: giải VĐQG và đội tuyển quốc gia. Đội tuyển là thể hiện, nhưng "cơ thể sống" nâng đỡ, tạo ra nguồn dinh dưỡng và sinh khí cho nền bóng đá là giải VĐQG - nơi được vận hành bởi sự tồn vong của các CLB.

V-League, giải hạng Nhất lao đao, bóng đá Việt Nam khó sống khỏe. Vắng bóng đá, hơn 400 cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam cũng vừa mất nghề, mất phong độ, nhóm cầu thủ của ĐTQG cũng không có đối thủ cọ xát để nâng cao trình độ. 

V-League nâng tầm cho rất nhiều cầu thủ, góp phần tạo nên sức mạnh ĐTQG. 

Sự thụt lùi của bóng đá Indonesia do hoãn giải VĐQG dài hạn là bài học để VPF tham khảo. Dịch COVID-19 khiến giải VĐQG Indonesia hoãn từ tháng 3/2020 và chưa có dấu hiệu trở lại.

Giải trong nước tê liệt, HLV Shin Tae-yong buộc phải "gom quân" từ các đội tuyển trẻ đá vòng loại World Cup 2022. Tương tự, bóng đá Thái Lan từng gián đoạn 6 tháng khiến HLV Akira Nishino phải đảo lộn kế hoạch.

Ngược lại, tuyển Việt Nam vẫn đi đúng quỹ đạo, thắng 2/3 trận và HLV Park Hang Seo có thêm nhiều phát hiện mới như Bùi Tấn Trường, Trần Minh Vương, Nguyễn Hoàng Đức. Nếu V-League không được vận hành, tuyển quốc gia có nền tảng để tạo ra bước tiến lịch sử khi lọt vào vòng loại cuối?

Giải pháp đá tập trung 

Tại cuộc hội thảo ngày 2/7, VPF cho biết các CLB V-League ủng hộ kế hoạch tổ chức thi đấu tập trung tại cụm 9 sân vận động miền Bắc. Giải pháp đá tập trung giúp các đội bớt được nguy cơ di chuyển đường dài, từ đó yên tâm tập trung thi đấu và phòng dịch. Sau 2 tuần, giải pháp tập trung chuyển đổi thành hoãn giải đến hết năm.

Dịch bệnh đang diễn biến khó lường tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhưng không thể vì thế mà bị động hoàn toàn.

V-League nên đá tập trung phía Bắc.

VFF, VPF tìm ra cơ chế để ĐTQG có thể đá 5 trận vòng loại World Cup 2022 (có 3 trận trong năm 2021) trên sân Mỹ Đình tại Hà Nội, tại sao không thể thúc đẩy để đưa các CLB ra phía Bắc thi đấu nốt phần còn lại của giải đấu trong năm nay?

Các giải đấu hàng đầu trên thế giới đều tìm ra phương án để vượt bệnh dịch. Ngoại hạng Anh, LaLiga, Serie A, Bundesliga tổ chức các trận trên sân không khán giả.

Các cầu thủ được xét nghiệm 2 lần/tuần, bóng thi đấu và sân bãi được khử trùng, các đội bóng tuân thủ "quy tắc bong bóng", tức hoàn toàn không tiếp xúc với người ngoài. Các cầu thủ mắc COVID-19 được xem như dính chấn thương, chỉ quay lại khi có xét nghiệm âm tính.  

Bóng đá Anh vẫn diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh. 

Các giải đấu lớn phải được vận hành bất chấp dịch bệnh, bởi nó gắn liền với lợi ích của CLB, cầu thủ, nhà tài trợ và chính ĐTQG của các quốc gia này. Hoãn, hủy giải đấu thì quá dễ. Tìm cách hoạt động, thích nghi với trạng thái "bình thường mới", đấy mới là cách làm căn cơ nhất với mọi nền bóng đá.

Đặt ra quy chuẩn y tế cho các CLB, tổ chức thi đấu tập trung, sắp xếp lịch ra sân vào những ngày ĐTQG không thi đấu và hoàn thành cách ly y tế, thậm chí để V-League đá song song trong thời gian đội tuyển đá vòng loại World Cup, VPF làm được không?

Vai trò của giải VĐQG và đội tuyển phải được đặt ngang nhau trên bàn cân lợi ích. Ở các nền bóng đá phát triển, CLB và đội tuyển có vị thế sòng phẳng với nhau trong những tranh chấp, kiện tụng pháp lý. Hy sinh giải VĐQG để làm bàn đạp cho đội tuyển chỉ là giải pháp ngắn hạn phục vụ phần ngọn. V-League "hấp hối", ĐTQG lấy cơ sở gì để tiến bộ?

Cái ngọn không thể tốt tươi nếu cái cây đã lung lay tới tận gốc rễ. 

Hồng Nam

Tin mới