Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

HLV Park Hang Seo từng mua tiền đạo qua TV, hiểu quá rõ nỗi khổ bóng đá Việt Nam

(VTC News) -

Từng phải chiêu mộ tiền đạo ngoại qua TV, HLV Park Hang Seo hiểu rõ hơn ai hết áp lực thành tích buộc CLB phải xoay sở mua bằng được chân sút tốt cho hàng công.

HLV Park Hang Seo khổ tâm 

HLV Park Hang Seo được cho là đã "kêu cứu" với lãnh đạo ngành thể thao, đến mức Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phải chỉ đạo các cơ quan quản lý bóng đá, các câu lạc bộ "có cơ chế hỗ trợ các tài năng bóng đá trẻ để họ có thể ra sân thi đấu nhiều hơn". Đội tuyển Việt Nam thiếu nhân sự ở hàng tiền đạo. Điều này không mới.

HLV Park Hang Seo sau hai năm thành công cũng đến lúc phải đau đầu với bài toán chân sút. Anh Đức không còn sung sức, nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng chỉ có hai tiền đạo trẻ còn nhiều thiếu sót là Tiến Linh, Đức Chinh trong những lần tập trung trong khi Hà Minh Tuấn cứ lên lại về.

Anh Đức không còn sung sức, HLV Park Hang Seo quanh đi quẩn lại cũng chỉ còn Tiến Linh, Đức Chinh để sử dụng ở vị trí trung phong.

Danh sách Quả Bóng Vàng Việt Nam những năm qua cũng thể hiện sự khan hiếm nguồn cung tiền đạo cho đội tuyển. Lần gần nhất top 3 QBV có nhiều hơn 1 tiền đạo là năm 2015 (Anh Đức, Văn Quyết, Công Vinh).

Suốt bốn năm qua, "lão tướng" Anh Đức là trung phong duy nhất góp mặt trong ba vị trí dẫn đầu cuộc bầu chọn cầu thủ xuất sắc nhất V-League. Các tiền đạo nội lứa sau không có cửa cạnh tranh bóng vàng.

Nguyên nhân của tình trạng này cũng được nhắc đến không phải là lần đầu. Các chân sút nội quá ít đất diễn bởi các CLB ưu tiên sử dụng ngoại binh ở hàng tiền đạo. Chính HLV Park Hang Seo hiểu rõ điều này hơn ai hết, bởi ông cũng từng dẫn dắt CLB ở Hàn Quốc.

HLV Lê Huỳnh Đức nói rằng ông Park nếu dẫn dắt CLB cũng phải dùng tiền đạo ngoại cũng không sai và thực tế đã xảy ra như vậy.

Trong ba mùa giải liên tiếp từ 2007 đến 2009, hai đội bóng của ông Park là Gyeongnam và Chunnam Dragons sở hữu hai chân sút chất lượng hàng đầu K-League. Họ là các ngoại binh người Brazil, trong đó Cabore, vua phá lưới mùa 2007 được chiêu mộ sau khi ông Park xem cầu thủ này thi đấu qua... ti vi.

11 trong số 12 CLB ở giải đấu hạng cao nhất Hàn Quốc sử dụng cầu thủ nước ngoài ở hàng tiền đạo, bảy trong số đó đăng ký tới hai chân sút ngoại. Top 10 chân sút K-League mùa trước chỉ có ba cầu thủ bản địa ở các vị trí cuối, một người đá cho CLB không được dùng cầu thủ ngoại (Sangju Sangmu).

Tiền đạo Việt Nam phải tự giành cơ hội

Việc các CLB dùng ngoại binh làm chủ lực hàng công không phải là tình trạng riêng của bóng đá Việt Nam. Các chân sút ngoại đến từ châu Phi hay Nam Mỹ rõ ràng có lợi thế so với đồng nghiệp bản địa, ít nhất là về mặt thể hình. Ở các giải đấu của châu Á có giới hạn ngoại binh, tiền đạo là ưu tiên hàng đầu, sau đó đến trung vệ.

Có lẽ VFF, VPF khó có thể tạo ra một cơ chế tạo nhiều điều kiện cho tiền đạo nội hơn hiện tại được nữa. Giới hạn ba ngoại binh hiện tại là một con số vừa đủ để cân bằng hai yếu tố: chất lượng giải đấu và đất diễn cho cầu thủ nội. 

"Tôi nghĩ đó là con số hợp lý. Thái Lan bây giờ có thể dùng ba ngoại binh, thêm một cầu thủ châu Á và ba cầu thủ Đông Nam Á. Như vậy đã là quá nhiều sự cạnh tranh", HLV trưởng của Muangthong United chia sẻ với VTC News trong một lần đến Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam cần tạo ra thêm cầu thủ nội đủ sức cạnh tranh với ngoại binh như Tiến Linh, thay vì mặc định ưu tiên cho tiền đạo bản địa.

Thậm chí kể cả khi giới hạn ngoại binh xuống còn 1 người, khả năng cao là các CLB cũng ưu tiên cho hàng công. Hay, nếu quy định về số phút thi đấu cho các tiền đạo nội, người hâm mộ có thể phải chứng kiến những màn thay người ngay đầu trận giống như cách các đội bóng Trung Quốc chống đối luật đăng ký cầu thủ U23 đá chính.

Có thể thông cảm cho HLV Park Hang Seo khi ông không có nhiều lựa chọn cho hàng công đội tuyển Việt Nam, nhưng nhà cầm quân người Hàn Quốc hiểu rõ vì sao các đồng nghiệp ở CLB ưu tiên tiền đạo ngoại. Có lẽ điều ông Park thực sự muốn ở các đội bóng không phải là cho chân sút nội ra sân nhiều hơn mà là một chiến lược để đào tạo ra những tiền đạo bản địa đủ khả năng để giành lấy suất thi đấu.

Bài toán đất diễn cho các chân sút trẻ chỉ có thể được giải bằng năng lực của chính họ. K-League ưu tiên tiền đạo ngoại, nhưng đội tuyển Hàn Quốc vẫn có những ngôi sao tấn công chất lượng. Hwang Ui-jo, Hwang Hee-chan, Son Heung-min, 3 tiền đạo giỏi nhất xứ kim chi đều thi đấu ở châu Âu. Mấu chốt vấn đề chính là năng lực của họ.

Tiến Linh, chân sút nội tiềm năng nhất hiện tại, đã giành lấy sự tin tưởng đủ để Becamex Bình Dương không dùng trung phong ngoại bằng 12 bàn thắng ở mùa giải 2018. Nguyễn Xuân Nam đang đứng đầu danh sách ghi bàn V-League 2020 với ba pha lập công sau khi vào sân từ ghế dự bị.

Văn Toàn ở HAGL, Hồ Tuấn Tài, Phan Văn Đức của SLNA hay Đức Chinh trong màu áo SHB Đà Nẵng đều có thời gian thi đấu đáng kể. Cơ hội thi đấu vẫn có đủ cho các chân sút Việt Nam. Nguồn cung tiền đạo cho đội tuyển quốc gia phụ thuộc vào chính năng lực của họ, chứ khó có thể mong đợi cơ chế ưu tiên từ V-League.

Tiểu Cường

Tin mới