Huy động vốn: Đa dạng thực đơn
Để tìm kiếm nguồn tiền đầu tư vào dự án KĐT Văn Khê mở rộng (Usilk City), chủ đầu tư – công ty CP Sông Đà Thăng Long (SĐTL) đã huy động từ các nguồn chính yếu sau: thu từ khách hàng ký hợp đồng vay vốn, hợp đồng bán nhà; vay tổ chức tín dụng; phát hành trái phiếu DN.
Theo tài liệu Dân Việt có được, đối với các hợp đồng góp vốn (cam kết được quyền mua căn hộ), tính từ 2008 tới cuối quý I.2016, Sông Đà Nha Trang (đơn vị thành viên của SĐTL) đã ký với gần 1.700 khách hàng. Cùng khoảng thời gian này, một số khách hàng đã thanh lý hợp đồng vay vốn và chuyển sang ký hợp đồng mua nhà với SĐTL. Đến 31.3.2016, tìm hiều được biết, còn tới 103 hợp đồng vay vốn chưa thanh lý – số tiền vay vốn của 103 hợp đồng này ngót nghét 105 tỷ đồng.
Ở hạng mục bán nhà hình thành trong tương lai, số tiền mà SĐTL thực thu trong thời gian 2009-2016 thật sự "khổng lồ". Cụ thể, với giá bán 1.040 – 1.800 USD/căn tùy thời điểm, vị trí căn hộ, SĐTL đã ký hơn 1.900 hợp đồng bán nhà với người mua (áp dụng cho các tòa nhà từ 101 đến 108). Hồ sơ thể hiện, SĐTL thực tế đã thu gần 3.545 tỷ đồng (tương đương 68,43% tổng giá trị các hợp đồng đã ký). "Cao điểm" nhất là năm 2010, SĐTL thu suýt soát 1.993 tỷ đồng.
Techcombank, Tổng công ty Bảo hiểm SHB - Vinacomin, Tổng công ty Bảo hiểm Hàng Không, Công ty Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam.... là những cái tên đáng chú ý trong hoạt động mua trái phiếu của STĐL.
Chưa hết, một nguồn tiền "khủng" mà SĐTL có được để "rót" vào Usilk City đến từ kênh phát hành trái phiếu DN. Chỉ trong thời gian 2009-2010, SĐTL đã phát hành 4 đợt trái phiếu DN. Trong số các đơn vị, tổ chức tham gia mua, ghi nhận Techcombank và 7 công ty tài chính là: Công ty Tài chính CP Sông Đà; Công ty Tài chính CP Điện lực; Tổng công ty Bảo hiểm SHB – Vinacomin; Công ty Tài chính Than khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Bảo hiểm Hàng Không; Tổng công ty bảo hiểm Bảo Minh và Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí PVI.
Đổi lại cho khoản tiền thu về 1.600 tỷ đồng từ 4 đợt phát hành trái phiếu nói trên, SĐTL sử dụng tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất của một loạt các lô CT3, CT4; tài sản hình thành trong tương lai trên các khu CT3-CT4...
Và đầu tư vào ...mục đích khác?!
Thời gian 2008-2010 chứng kiến thị trường BĐS đặc biệt sôi động. Đây cũng là lúc SĐTL sử dụng phần lớn số tiền huy động được từ các nguồn (thu của người mua nhà; vay nhà băng; phát hành trái phiếu nêu trên) để đầu tư vào các dự án BĐS khác, mua máy móc vật tư; đầu tư vào công ty con, công ty liên kết cũng như trả gốc và lãi vay các tổ chức tín dụng.
Theo tìm hiểu, danh mục dự án BĐS mà SĐTL vung vãi tiền đầu tư trải dài trên cả nước. Cụ thể: dự án khu dân cư Cồn Tân Lập (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa); KĐT biển An Viên (Khánh Hòa); dự án Tân Kiểng (quận7, TP.HCM); dự án Sao Mai – Tân Quy (quận 7, TP.HCM); dự án 3B Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); dự án khách sạn 5 sao (TP Huế)... Tính sơ sơ, SĐTL đã rót gần 1.240 tỷ đồng cho những dự án không phải Usilk City (!)
Tiếp đến, đối với khoản mục đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, đầu tư tài chính dài hạn, SĐTL cũng "bạo chi" với khoảng 714,8 tỷ đồng cho: Công ty CP thép Thăng Long Kansai, Công ty CP nền móng Sông Đà Thăng Long; Công ty CP Sông Đà Nha Trang; Công ty CP Ba Năm Ba; trường mầm non Sao Khuê...
Đặc biệt, để chi trả tiền gốc, lãi vay, lãi phạt quá hạn các khoản vay các tổ chức tín dụng (trả các khoản vay các tổ chức tín dụng phục vụ cho đầu tư dự án Usilk City và đầu tư các dự án khác), SĐTL đã tiêu tốn gần 2.314 tỷ đồng...
Có thể nói, SĐTL đã dùng phần lớn số tiền bán nhà thu được tại dự án Usilk City, tiền vay tổ chức tín dụng để đầu tư vào các dự án BĐS khác, mua trang thiết bị, đầu tư vào công ty ty con/công ty liên kết; dùng trả gốc và lãi vay ngân hàng... Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn tới dự án Usilk City thiếu vốn đầu tư, thi công chậm tiến độ. Điều này, cho thấy SĐTL đã vi phạm khoản 4, điều 16 Luật Kinh doanh BĐS 2006.