Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Uống thuốc trị sốt rét để phòng Covid-19, coi chừng mất mạng

(VTC News) -

Chuyên gia khẳng định, thuốc trị sốt rét chloroquine không có tác dụng phòng Covid-19, thuốc có độc tính cao, dùng không cẩn thận dễ bị ngộ độc, thậm chí mất mạng.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa qua tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam, 44 tuổi ở Hà Nội ngộ độc nặng do uống thuốc trị sốt rét để chống Covid-19.

Bệnh nhân cho biết, do nghe thông tin trên mạng uống thuốc trị sốt rét chloroquin 250mg có thể phòng được Covid-19 nên mua khoảng 100 viên về sử dụng. Sau khi uống khoảng 15 viên, anh lâm tình trạng tụt huyết áp, nôn, mắt lờ mờ, có dấu hiệu của ngộ độc. Rất may, nhờ được cấp cứu kịp thời, người này mới giữ được tính mạng.

Về ca bệnh này, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chloroquine là thuốc kê đơn, được sử dụng cho các bệnh nhân sốt rét, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp… Do thuốc có độc tính cao nên việc sử dụng lúc nào và liều lượng bao nhiêu phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng bừa bãi có thể gây ngộ độc, thậm chí mất mạng.

Chuyên gia Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, thuốc trị sốt rét chloroquine có độc tính rất cao, dùng không cẩn thận dễ bị ngộ độc, thậm chí mất mạng.

Theo BS Nguyên, người bị ngộ độc chloroquine thường có biểu hiện rất nguy hiểm, bắt đầu bằng triệu chứng ù tai, mờ mắt, hôn mê, co giật, rối loạn nhịp tim sau đó dẫn đến tụt huyết áp... Lúc này, nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng phương pháp, người bệnh rất dễ thiệt mạng.

Không chỉ có chloroquine mà phần lớn các loại thuốc đều được bác sĩ kê đơn, chỉ định sử dụng sau khi thăm khám cho bệnh nhân.

Ngoài ra, hầu hết các loại thuốc chỉ được bán khi có kê đơn của bác sĩ, không được tự ý bán. Ở nhiều nước trên thế giới, quy trình này được kiểm soát rất chặt chẽ.

Trước thực trạng sử dụng thuốc bừa bãi như hiện nay, BS Nguyên khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, lo lắng về dịch Covid-19 mà tự ý mua, sử dụng thuốc bữa bãi. Việc làm này không những không điều trị được bệnh mà còn mang họa vào thân, tổn hại sức khỏe.

“Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng nên tăng cường kiểm tra và xử lý những trường hợp hiệu thuốc bán thuốc sai quy định, bán thuốc không có đơn hay không có chỉ định của bác sĩ để răn đe", bác sĩ Nguyên nói.

Lúc này, việc quan trọng nhất là người dân cần bình tĩnh, theo dõi và thực hiện theo đúng khuyến cáo về dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe của gia đình và người thân. Tuyệt đối không nghe theo những lời mách trên mạng, tin đồn không có căn cứ dễ dẫn đến “tiền mất, tật mang".

Tính tới sáng 24/3, Việt Nam ghi nhận 123 ca mắc Covid-19, 17 người đã khỏi bệnh, 106 trường hợp mới phát hiện.

Video: Thêm nhiều trường hợp đăng tin sai về Covid-19 bị xử phạt - THDT

 

 

 

Phạm Quý

Tin mới