Vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt rất nặng. Vì vậy mà nhiều người thắc mắc uống rượu bao nhiêu lâu thì hết nồng độ cồn để có thể cầm lái?
Chia sẻ với Báo VnExpress, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, cơ thể sau bao lâu sẽ thải hết lượng cồn trong rượu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như tuổi tác, cân nặng, các bệnh lý mắc phải hoặc các loại thuốc đang sử dụng, cách uống...
Ngoài ra, trong máu mỗi người đều có các ngưỡng nồng độ cồn khác nhau. nên thời gian chuyển hóa và trạng thái cảm xúc cũng khác nhau. Đối với những người gan yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm thì việc đào thải cồn sẽ lâu hơn.
Theo bác sĩ Phúc, trung bình, mỗi giờ cơ thể loại bỏ 15 miligam cồn trong máu. Đồ uống càng nhiều độ cồn thì thời gian để cơ thể chuyển hóa càng lâu hơn. Có những trường hợp, người uống rượu vào tối hôm trước đến tối hôm sau vẫn còn dương tính với nồng độ cồn trong máu và hơi thở.
Hãy nói không với rượu bia nếu bạn phải lái xe
Một công thức do các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu về tốc độ suy giảm nồng độ cồn trong máu, người uống có thể áp dụng, đó là: Ci = C – 0,015t. Trong đó, C là nồng độ cồn trong máu khi uống xong, Ci là nồng độ cồn trong máu tại thời điểm xác định, t là thời gian, 0,015 là hằng số.
Nồng độ cồn được đo bằng hơi thở hoặc nồng độ trong máu. Để hết nồng độ cồn trong máu thì Ci phải bằng 0.
Các chuyên gia khuyên rằng, công thức tính chỉ dùng để tham khảo với một số người có thể điều chỉnh lượng rượu họ uống để không ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, đặc biệt là khi điều khiển phương tiện giao thông.
Một số chuyên gia cũng cho biết, về lý thuyết, sau khi uống rượu bia thì qua ruột vào máu, đào thải qua gan và thận, sau 1-2 ngày mới có thể hết được. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc lượng rượu bia cũng như sức khỏe của người uống.
Tóm lại, không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể, vì quá trình này phụ thuộc vào lượng rượu, đặc điểm sinh học và thể trạng mỗi người.
Để giảm mức độ say rượu, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên biết tiết chế khi uống; không uống rượu bia khi đói. Bạn nên uống trước bột sắn dây hoặc sữa để bảo vệ niêm mạc dạ dày, hạn chế hấp thu rượu bia.
Trong trường hợp sau khi say rượu thì nên uống trà xanh, nước đậu xanh, atisô, nhân trần… nhằm cung cấp lượng nước lớn cho cơ thể, giúp quá trình đào thải rượu nhanh chóng.