Thói quen uống nước trong khi ăn được nhiều người cho là có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ngăn cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng, gây đầy hơi, trào ngược axit, ợ nóng, tích trữ chất béo.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, không có bằng chứng về tác động tiêu cực từ việc uống nước trong bữa ăn.
Ảnh minh họa: Aox.
Michael Picco, phó giáo sư y khoa người Mỹ, cho hay: “Nước rất cần thiết cho một sức khỏe tốt. Nước và những chất lỏng khác giúp phân hủy thức ăn để cơ thể có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng. Nước cũng ngăn ngừa táo bón".
Nghiên cứu "Làm rỗng dạ dày của một bữa ăn hỗn hợp rắn - lỏng" cho thấy, việc uống nước không ảnh hưởng đến tốc độ đào thải chất rắn ra khỏi dạ dày.
Theo Debbie Fetter, chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học California, không có nghiên cứu nào kết luận uống nước trong khi ăn là có hại. Ngược lại, theo bà Fetter, nước có khả năng ngăn ngừa đầy hơi và hỗ trợ tiêu hóa.
“Nước làm chậm quá trình ăn uống và thúc đẩy tiêu hóa trơn tru hơn. Uống từng ngụm chất lỏng trong khi ăn có ích cho những người ăn quá nhiều", bà Fetter lý giải.
Uống nước trong khi ăn mang lại lợi ích
Trên thực tế, một số nghiên cứu ghi nhận các loại chất lỏng, trong đó có nước lọc, thực sự có thể giúp giảm cân và đem tới các lợi ích khác.
Ilana Muhlstein, chuyên gia về giảm cân, thuộc nhóm điều hành của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nói uống nước làm thỏa mãn các hormone đói và dẫn đến "cảm giác bình tĩnh và no". Vị này lưu ý rằng tất cả các loại thực phẩm đều chứa nước.
Mulhstein, người lãnh đạo Chương trình Cải thiện Sức khỏe Bruin, chia sẻ: “Nếu bạn đang ăn một đĩa salad, nghĩa là bạn đang nhai nước. Vậy tại sao bạn không thể uống một ngụm nước cùng với món ăn?".
Chuỗi bệnh viện Yashoda ở Hyderabad (Ấn Độ), viết trên trang web: "Nước là lựa chọn lành mạnh nhất vào bất kỳ lúc nào và sẽ không làm gián đoạn quá trình tiêu hóa ngay cả khi bạn uống nhiều”.
Trang web ghi nhận nhiều lợi ích của việc uống nước cả trong và sau bữa ăn. Trong đó có việc hấp thụ chất dinh dưỡng, giảm lượng calorie, ngăn ngừa táo bón, đầy hơi.