Sau khi uống 4 viên thuốc, người đàn ông 54 tuổi, ở Hà Nội có cảm giác mắc nghẹn và đau ở vùng cổ. Mặc dù cố gắng ăn thức ăn để viên thuốc trôi xuống nhưng không được, còn bị nôn. Anh đến khám tại bệnh viện tuyến huyện, nội soi phát hiện một viên thuốc nguyên vỏ sắc cạnh, mắc ở 1/3 giữa thực quản nhưng không can thiệp lấy ra được.
Anh được người nhà đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng đau dữ dội vùng dọc xương ức, kèm theo nuốt vướng và đau, khó thở. Các bác sĩ nội soi và thấy 1 viên thuốc còn vỏ kích thước 3cmx 2,5cm, hai đầu sắc nhọn cắm sâu vào hai thành thực quản gây phù nề xung huyết và chảy máu.
Ê kíp lấy thành công viên thuốc ra khỏi thực quản an toàn. Sau khi can thiệp, bệnh nhân giảm nhiều các triệu chứng nuốt đau, vướng, đau ngực, khó thở.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Cảnh, khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hàng năm đơn vị tiếp nhận khoảng 100-120 trường hợp mắc dị vật trong đường tiêu hóa trên, như bàn chải đánh răng, vỏ thuốc, tai nghe bluetooth, đồng xu, nhẫn, nắp chai, xương hoặc có thể là dị vật bã thức ăn. Nguyên nhân do sơ ý của bệnh nhân nuốt phải, hoặc do thói quen ăn không nhai kỹ thức ăn có chất xơ, tanin nhiều (măng, hồng xiêm xanh, hỗn hợp tam thất mật ong bột nghệ thô...).
Với nhóm dị vật là vật dụng, thường các bệnh nhân đến khám ngay sau khi nuốt phải. Nhưng với những trường hợp không rõ nuốt dị vật, hoặc bị dị vật bã thức ăn nhiều ngày tạo thành, bệnh nhân thường đau thượng vị, đầy bụng, nôn, hoặc gây ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột.
Người dân nên cẩn trọng trước khi uống thuốc, liều dùng, đặc biệt chú ý đến những loại thuốc cắt lẻ đã được bóc vỏ hay chưa, tránh tình trạng bị hóc dị vật. Nếu sơ ý nuốt phải thuốc hay các dị vật khác thì nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và xử trí nhanh chóng kịp thời.