Ngày 20/11, bác sĩ Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị mới tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân 23 tuổi nhập viện trong tình trạng nhịp tim nhanh, bụng chướng nhẹ, ấn đau vùng hạ sườn phải.
Khoảng 10 tiếng trước khi nhập viện, bệnh nhân này uống 60 viên paracetamol 500 mg tương đương 30g. “Đây là liều thuốc rất cao, gấp khoảng 30 lần so với liều thông thường trong một lần uống ở một người lớn”, bác sĩ Vân lo ngại.
Người bệnh bị ngộ độc nặng do uống 60 viên paracetamol đã ổn định cả về sức khỏe và tinh thần.
Qua khám, bác sĩ chẩn đoán người bệnh ngộ độc cấp paracetamol, được điều trị tích cực bằng thuốc giải độc, truyền dịch.
Sang ngày thứ hai, người bệnh vẫn suy gan cấp kèm rối loạn đông máu nặng, chỉ định truyền thuốc giải độc acetylsystein liều cao 200 mg/kg, đặt catheter lọc máu cấp cứu, thay huyết tương.
Sau 8 ngày, sức khỏe người bệnh dần ổn định, các chỉ số về mức bình thường. Hiện, nữ bệnh nhân này được khám thêm chuyên khoa thần kinh giúp điều trị ổn định tâm lý, dự kiến xuất viện trong một vài ngày tới.
Paracetamol (tên gọi khác là Acetaminophen) tác dụng giảm đau, hạ sốt. Hiện, thuốc này thuộc danh mục không kê đơn nên người dân có thể dễ dàng mua thuốc tại bất kỳ cửa hàng nào.
Theo khuyến cáo, liều paracetamol đường uống ở người lớn trung bình 0,5-1 g/lần, 4-6 giờ/lần, tối đa 4g/ngày. Liều gây ngộ độc là 150 mg/kg.
Nhóm nguy cơ cao bị ngộ độc là những người chán ăn, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch, uống cùng rượu và một số thuốc an thần, thuốc điều trị lao. Nếu dùng thuốc quá liều trong thời gian dài hoặc dùng thuốc với liều rất cao trong một hoặc vài lần có thể dẫn đến ngộ độc, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo nếu cần dùng thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên gia, không uống quá liều quy định. Nếu có biểu hiện hoặc nghi ngờ ngộ độc paracetamol, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.