Theo Cục Thương mại điện và Kinh tế số - Bộ Công Thương, trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm. Năm 2020, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến khoảng 49,3 triệu người với giá trị mua sắm mỗi người trung bình khoảng 240 USD.
Năm 2022, Việt Nam có đến 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị đạt 260 - 285 USD/người.
Một trong những yếu tố giúp thương mại điện tử phát triển là do các sàn thương mại điện tử liên tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ, thanh toán và hậu cần nhằm cung cấp trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người dùng và nhà bán hàng.
Ứng dụng công nghệ giúp thương mại điện tử phát triển.
Những giải pháp công nghệ này không chỉ nâng cao trải nghiệm mua sắm của hàng triệu người dùng trên nền tảng, mà còn giúp các doanh nghiệp, nhà bán hàng, bất kể lớn nhỏ, kinh doanh trực tuyến hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, ứng dụng của công nghệ số trong các công đoạn của chuỗi giá trị đang dần trở nên phổ biến và hữu ích cho người dùng hơn như: ứng dụng blockchain trong logistic, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mô hình thương mại không giấy tờ…
Ngoài yếu tố công nghệ, việc Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán nhiều Hiệp định tự do thương mại trong thời gian qua cũng giúp thương mại điện tử phát triển.
Theo đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có các điều khoản về thương mại điện tử. Trong các Hiệp định này, nhóm cam kết liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, các cam kết về bảo vệ dữ liệu và dự liệu cá nhân được chú trọng rất nhiều và xuất hiện ở tất cả Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Có thể nói, cam kết thương mại điện tử trong các Hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều tác động tích cực cho sự phát triển thương mại điện tử như: Thúc đẩy hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thu hút đầu tư cho lĩnh vực thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới.
Trong thời gian tới, để tận dụng hiệu quả lợi ích từ các cam kết thương mại điện tử mang lại, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý và xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin về các cam kết trong FTA, xu hướng thương mại điện tử, đồng thời tích cực tham gia vào các nền tảng, mô hình thương mại điện tử mới để thâm nhập thị trường.