Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ukraine thực sự không còn mặn mà với NATO hay kế 'rút củi đáy nồi'?

(VTC News) -

Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đang tiến hành ở Ukraine liệu có khiến Kiev “nhụt chí”, từ bỏ tham vọng trở thành thành viên của NATO?

Tổng thống Volodymyr Zelensky dường như không bằng lòng với phản ứng thiếu mạnh mẽ của NATO trước chiến dịch của Nga tại Ukraine. Giờ đây ông nhận ra rằng, NATO không sẵn sàng chấp nhận Ukraine, đồng thời tuyên bố nước này không còn tha thiết gia nhập NATO. Ông Zelensky phải thốt ra những lời như vậy sau những gì đang diễn ra với Ukraine.

Cần nhớ rằng, trước đó, nhất là kể từ khi Nga chuẩn bị phát động hành động quân sự ở Ukraine, Tổng thống Zelensky đã hối thúc NATO nhanh chóng kết nạp nước này vào liên minh. Sự thay đổi trong quan điểm của lãnh đạo Ukraine rõ ràng có lý do, song dù đó là “đòn gió” để xoa dịu Nga hay xuất phát từ bất mãn với cách hành xử của NATO thì khả năng gia nhập NATO của Ukraine giờ đây trở nên hết sức mù mịt.

 

Vì sao NATO chưa ‘thu nạp’ Ukraine?

Sứ mệnh của NATO là bảo vệ quyền tự do của các thành viên và sự ổn định khu vực. NATO đóng vai trò như một hệ thống an ninh tập thể, trong đó các quốc gia thành viên đồng ý bảo vệ lẫn nhau trước bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một nước thành viên. Cam kết này được ghi trong điều khoản nổi tiếng nhất của hiệp ước - Điều 5. 

Theo quy định được ghi nhận trong hiệp ước năm 1949 của NATO, liên minh này có thể trao cho bất kỳ quốc gia châu Âu nào quyền yêu cầu gia nhập, và Ukraine cũng không phải ngoại lệ. Dù vậy, từ khi một quốc gia trình bày mong muốn cho đến khi chính thức gia nhập là quá trình dài, không chi “ngày một, ngày hai” bởi tiêu chí của NATO rất chặt chẽ.

Dù không có danh sách yêu cầu chính thức cho tư cách thành viên, song NATO vẫn duy trì danh sách tiêu chí tối thiểu mà các quốc gia muốn gia nhập khối phải có năng lực đáp ứng gồm: Thành viên mới phải đề cao dân chủ; phải tiến bộ theo hướng kinh tế thị trường; phải là láng giềng tốt và tôn trọng chủ quyền ngoài biên giới của nước đó. Lực lượng quân sự của các thành viên phải nằm dưới sự kiểm soát dân sự vững chắc và phải cải tổ để tương thích với các lực lượng NATO.

Khi một nước mong muốn gia nhập, NATO có thể mời quốc gia đó tham gia theo Kế hoạch hành động thành viên (MAP). Chương trình giúp các nước chuẩn bị cho việc trở thành thành viên NATO trong tương lai dù sự tham gia chương trình này không đảm bảo tư cách thành viên.

Từ lâu, Ukraine đã ấp ủ mong muốn gia nhập NATO và chính thức nộp đơn xin tham gia MAP vào năm 2008. NATO hoan nghênh nỗ lực của Ukraine, đồng thời cam kết Kiev cuối cùng sẽ trở thành thành viên của khối. Tuy nhiên, liên minh quân sự này từ chối nêu ra mốc thời gian cụ thể. 

Soi chiếu các tiêu chí của NATO trong trường hợp Ukraine, rõ ràng Kiev vẫn chưa đáp ứng yêu cầu gia nhập. Đặc biệt, tình trạng bất ổn đang diễn ra ở các vùng của Ukraine từ trước cả khi Nga mở chiến dịch quân sự vào cuối tháng trước khiến một số thành viên NATO chưa dám “bật đèn xanh” cho Kiev.

Chưa hết, một điều khoản quan trọng để một quốc gia gia nhập NATO đó là việc quyết định kết nạp thành viên mới phải đạt được sự đồng thuận tuyệt đối, tức là chỉ cần một thành viên không tán thành thì thỏa thuận sẽ không thể thông qua. Trong quá khứ, Pháp và Đức từng phản đối việc kết nạp Ukraine vào NATO trong khi các quốc gia châu Âu khác cũng giữ thái độ thận trọng về vấn đề này.

Tuy nhiên, thái độ của Nga được xem là yếu tố có sức nặng trong việc “níu chân”, khiến NATO “lưỡng lự” kết nạp Ukraine. Nga từng nhiều lần yêu cầu NATO không tiếp tục mở rộng sang phía Đông, tuyên bố Ukraine gia nhập liên minh quân sự này sẽ là “lằn ranh đỏ”. Điện Kremlin cho rằng, điều này đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích chiến lược của của chính quyền Moskva. 

Các nhà quan sát phương Tây cho rằng, Nga có thể sẽ khiến châu Âu phải trả giá nếu điều đó xảy ra, trong đó có việc trì hoãn xuất khẩu khí đốt. Trên thực tế, việc Moskva tuyên bố chiến dịch quân sự ở Ukraine được xem là lời đáp trả đanh thép của Nga, cho thấy ông Putin không chỉ đưa ra cảnh báo mang tính ngoại giao. Do đó, về phía mình, Brussels cũng sẽ phải cân nhắc “được, mất”, không dám bất chấp để kết nạp Kiev trước các cảnh báo từ Moskva.

Xuất phát từ lợi ích trong quan hệ song phương với Nga, nhiều quốc gia thành viên NATO khác cũng không muốn đẩy căng thẳng với Moskva lên cao, bỏ phiếu ủng hộ kết nạp Ukraine. Vì thế, Ukraine khó có thể đáp ứng tiêu chí nhận được sự tán thành của tất cả nước thành viên. Gần đây, chính đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell buộc phải thừa nhận rằng các nước phương Tây đã phạm nhiều sai lầm trong quan hệ với Nga, trong đó có việc hứa hẹn kết nạp Ukraine vào NATO.

Cũng cần lưu ý rằng, trong một thời gian dài, giới lãnh đạo Ukraine chưa thực sự dứt khoát, do dự trong việc gia nhập NATO, chỉ sau khi thông tin Nga đưa khí tài quân sự áp sát biên giới Ukraine thì Tổng thống Volodymyr Zelensky mới ráo riết, kêu gọi Mỹ và đồng minh nhanh chóng kết nạp nước này vào NATO.

Nhìn lại lịch sử, dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yushchenko, ông muốn Ukraine gia nhập liên minh này song người dân nước này tỏ ra ngần ngại sau những diễn biến ở Gruzia. Người kế nhiệm của ông - cựu Tổng thống Viktor Yanukovych thậm chí đã chuyển hướng trong việc lên kế hoạch tham gia NATO, thay vào đó, ông thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn với Nga.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Ukraine muốn "rút củi đáy nồi"?

Sau khi ông Volodymyr Zelensky trở thành Tổng thống, ông ưu tiên gia nhập NATO. Trong những năm qua, sự ủng hộ của công chúng với tư cách thành viên của khối ngày càng tăng, thậm chí mục tiêu trở thành thành viên NATO đã được ghi vào trong Hiến pháp Ukraine sửa đổi năm 2019.

Tham vọng là vậy, song có lẽ đã đến lúc Ukraine phải suy nghĩ lại trước cách hành xử thời gian qua của NATO. Trong hoàn cảnh Ukraine bị Nga tấn công, rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, Kiev đã cầu cứu NATO, mong nhận được sự hỗ trợ tốt nhất song câu trả lời là “không thể”.

NATO lý giải rằng, Kiev chưa phải thành viên liên minh nên họ không thể kích hoạt cơ chế phòng thủ tập thể theo Điều 5 hiệp ước chung. Theo NATO, sự can dự của họ vào Ukraine sẽ khiến nguy cơ xung đột, đối đầu quân sự trực tiếp với Nga ngày càng gia tăng và làm bùng phát "Thế chiến III".

Mới đây, chính Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đành phải thừa nhận thực tế rằng, Ukraine sẽ không được kết nạp vào NATO, bất chấp những tuyên bố chào đón của liên minh. Ông cho rằng, chính quyền Kiev sẽ không kêu gọi NATO kích hoạt Điều 5, không thể trông chờ vào “chiếc ô an ninh” của liên minh này theo điều khoản phòng thủ tập thể.

Trước đó, sau động thái được xem như “bỏ mặc”, phớt lờ đề xuất hỗ trợ của Kiev từ NATO sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt, ông Zelensky cho biết bản thân kém mặn mà với vấn đề này. Ông nhận ra rằng NATO giờ đây không sẵn sàng chấp nhận “thu nạp” Ukraine và sẵn sàng “thỏa hiệp” về tình trạng của 2 vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Luhansk đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận là độc lập.

Hồi tháng 2, Tổng thống Zelensky từng chia sẻ ông rất thất vọng sau khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo phương Tây. Ông phải lên tiếng rằng “chúng tôi bị bỏ rơi” trong cuộc chiến chống lại Nga. Vị lãnh đạo Ukraine kêu gọi sự cứu giúp từ giới chức nước châu Âu, ủng hộ nước này gia nhập NATO song câu trả lời chi là “im lặng, ai cũng lo sợ”.

Rõ ràng, vị Tổng thống đương nhiệm Ukraine hiểu rằng, khả năng gia nhập NATO của Ukraine vốn đã mong manh, giờ thì không còn thấy "cửa sáng".

Đã đến lúc Ukaine thôi theo đuổi tham vọng gia nhập NATO?

Thừa nhận của ông Zelensky là vậy, song cũng có ý kiến cho rằng Ukraine sẽ không từ bỏ giấc mơ gia nhập NATO. Những người này lập luận rằng, trong tình cảnh “nước sôi, lửa bỏng” hiện nay, khi đang bị Moskva đánh phủ đầu bằng chiến dịch quân sự thì Ukraine phải áp dụng kế “rút củi đáy nồi”, chấp nhận xuống thang để có được sự ngừng bắn từ Nga, làm cơ sở cho các cuộc đàm phán lâu dài.

Sự xuống nước của của lãnh đạo Ukraine cũng được cho là nước cờ khôn quan vào lúc này, bởi Nga đang chiếm ưu thế trên thực địa và binh sĩ của nước này đang bao quanh Kiev. Chỉ khi Ukraine phát đi các tín hiệu về tính trung lập, không còn tha thiết gia nhập NATO thì may ra cánh cửa đàm phán ngừng bắn giữa hai bên sẽ ngày càng mở rộng, và sau đó sẽ là cơ hội để giới chức Kiev mặc cả với Moskva trên bàn đàm phán.

Trong suốt quá trình tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, phía Nga nhiều lần tuyên bố, quân Nga sẽ ngưng ngay lập tức với 4 điều kiện sau: Thứ nhất, nếu lực lượng Ukraine ngừng phản kích. Thứ hai, nếu Kiev chấp nhận vị thế trung lập và phi hạt nhân. Thứ ba, nếu Crimea được thừa nhận là lãnh thổ của Nga. Và Thứ tư, nếu hai nước cộng hòa tự xưng ở Lugansk và Donetsk được Ukraine công nhận là các nước độc lập.

Kông Anh

Tin mới