Theo Reuters, các nhân viên Bộ Quốc phòng Ukraine đã trao bản “Danh sách các loại vũ khí đáp ứng nhu cầu của lực lượng phòng vệ Ukraine” trong cuộc họp kín giữa các quan chức và giám đốc điều hành ngành vũ khí hai nước ở Washington, Mỹ, ngày 6/12. Một bản sao của danh sách này sau đó đã được Reuters thu thập.
Danh sách bao gồm một số loại vũ khí mà Kiev đã yêu cầu trước đây, bao gồm đạn pháo 155mm, tiêm kích F-16 và tên lửa ATACMS tầm xa.
Bên cạnh đó, danh sách cũng có thêm một số loại chưa xuất hiện trong các yêu cầu trước đây, như máy bay chiến đấu F-18 Hornet, máy bay vận tải C-130J Super Hercules, hai trực thăng vũ trang khác nhau và thậm chí cả hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD đắt tiền.
Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD. (Ảnh: Lockheed Martin)
Được đưa vào biên chế Mỹ từ năm 2008, hệ thống THAAD được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Hệ thống này gồm 4 phần chính: phương tiện phóng, thiết bị đánh chặn, radar và hệ thống điều khiển hỏa lực.
Quân đội Mỹ hiện có 7 khẩu đội THAAD, trong đó khẩu thứ 8 dự kiến sẽ được chuyển giao cho Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ vào năm 2025. THAAD đã được triển khai tới lãnh thổ một số đối tác của Mỹ, bao gồm Israel, Hàn Quốc và Romania.
Mặc dù hệ thống này chưa được sử dụng nhiều trong thực chiến kể từ khi được phát triển, nhưng nó được cho là có phạm vi hoạt động lên tới 200km và là một trong những hệ thống phòng thủ uy lực nhất thế giới.
Máy bay chiến đấu F-18 Hornet. (Ảnh: Military)
F-18 Hornet là máy bay phản lực chiến đấu đa nhiệm, có tốc độ tối đa Mach 1,8. Nó có thể mang nhiều loại bom và tên lửa, gồm cả tên lửa không đối không và không đối đất cùng một pháo M61 Vulcan 20mm.
Máy bay sử dụng hai động cơ turbin cánh quạt General Electric F404 giúp nó có một tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao. F-18 có những tính năng khí động lực xuất sắc, chủ yếu nhờ vào các cánh nâng phía trước cánh (LEX). Các vai trò chủ yếu của loại máy bay này là hộ tống, bảo vệ hạm đội, chế áp lực lượng phòng không đối phương (SEAD), ngăn chặn tiếp tế trên không, hỗ trợ gần trên không và trinh sát trên không.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden vào tháng 10 kêu gọi quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách 106 tỷ USD cho an ninh quốc gia, trong đó có khoảng 61 tỷ USD viện trợ cho Ukraine và 14 tỷ USD hỗ trợ cho Israel trong cuộc xung đột với Hamas. Tuy nhiên, Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã phản đối gói chi tiêu này. Họ chỉ duyệt chi cho Israel, không đính kèm gói viện trợ Ukraine.
Đầu tuần này, Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young cảnh báo Mỹ sắp hết thời gian và tiền bạc để giúp Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
"Tôi muốn nói rõ rằng nếu quốc hội không hành động, đến cuối năm nay chúng ta sẽ cạn sạch ngân sách mua sắm vũ khí và trang bị cho Ukraine", bà Young cho biết. "Không có bất kỳ nguồn ngân sách thần kỳ nào để bù đắp chỗ trống vào thời điểm hiện tại. Chúng ta đã hết tiền và gần như hết thời gian. Quốc hội cần hành động ngay, nhằm giúp đỡ Ukraine".
Bà Shalanda cho biết thêm rằng, tính đến giữa tháng 11, Lầu Năm Góc đã chi 97% tổng số tiền 62,3 tỷ USD mà họ nhận được cho Ukraine trong năm nay. Trong khi Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã sử dụng hết 100% kinh phí được phân bổ.