Trong những ngày qua, việc Tổng thống Vladimir Putin công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass và đưa quân đội vào các khu vực này đã khiến cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như mối quan hệ Nga-phương Tây, nghiêm trọng hơn. Hiện Nga đang đối mặt với cách biện pháp trừng phạt kinh tế từ Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong khi Ukraine căng mình trước nguy cơ xung đột toàn diện.
Tuy nhiên, dù trong viễn cảnh nào thì cuộc khủng hoảng này cũng có tác động lớn đến nền kinh tế và gây nguy cơ tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu, mở đầu với giá dầu và khí đốt tăng chóng mặt.
Ngoài lĩnh vực năng lượng, Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp kim loại và hàng hóa lớn. Đặc biệt, Ukraine được coi là “nền tảng của chuỗi cung ứng châu Âu” - theo Alan Holland, Giám đốc điều hành công ty chuyên sản xuất phần mềm được sử dụng để quản lý chuỗi cung ứng Keelvar. Vì vậy, chuỗi cung ứng các loại mặt hàng từ lương thực cho đến kim loại, nhiên liệu thô như đồng, niken,... đều có nguy cơ bị gián đoạn nếu căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang.
Cuộc khủng hoảng Ukraine có tác động lớn đến nền kinh tế và gây nguy cơ tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh: The New York Times)
Bánh mì, ngô sẽ trở nên khan hiếm
CNBC trích lời các nhà phân tích kinh tế cho biết, phần lớn châu Âu phải phụ thuộc vào nguồn lúa mì và lúa mạch từ Ukraine. Ngoài ra, nước này cũng là một trong những nhà sản xuất ngô lớn của thế giới.
Theo ông Holland, dù vài tháng nữa mới đến mùa thu hoạch các sản phẩm này, nhưng nếu xảy ra xung đột kéo dài thì châu Âu sẽ thiếu một số loại thực phẩm thiết yếu như bánh mì vào mùa thu. Kéo theo đó, giá lương thực có thể tăng cao.
Trên thực tế, không chỉ các nước thuộc Liên minh châu Âu mới phải đối mặt với nguy cơ trên. Nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Phi cũng dựa vào nguồn lúa mì và ngô của Ukraine. Ngay cả Trung Quốc cũng phải nhập ngô từ nguồn này. Theo bà Dawn Tiura, chủ tịch của Sourcing Industry Group, Ukraine đã thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp ngô hàng đầu của Trung Quốc từ năm 2021.
Bà Tiura kết luận, sự gián đoạn nguồn cung từ Ukraine có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới.
Đến nay, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đã khiến giá lúa mì và ngô tăng vọt. Giá lúa mì giao sau tại Chicago tăng khoảng 12% kể từ đầu năm, trong khi giá ngô trong cùng kỳ tăng 14,5%. Ông Per Hong, quản cấp cao tại công ty tư vấn Kearney, chỉ ra rằng tình trạng này có thể ngày càng xấu đi nếu các khu vực nông nghiệp cốt lõi ở Ukraine bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang.
Ông Hong lưu ý thêm, Nga cũng là một trong những nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Cả Nga và Ukraine đều chiếm khoảng 29% thị trường xuất khẩu lúa mì toàn cầu.
Không chỉ vậy, nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt cũng có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp do thiếu nguyên vật liệu để sản xuất một số sản phẩm quan trọng như phân bón. Đặc biệt là khi nguồn cung phân bón đã thiếu hụt từ năm 2021, dẫn đến giá cả tăng vọt.
Căng thẳng Nga-Ukraine thúc đẩy giá dầu và khí đốt tăng chóng mặt. (Ảnh: Getty Images)
Tất cả mặt hàng đều thiếu nhiên liệu sản xuất
Trong những năm qua, Ukraine không ngừng gia tăng sản lượng xuất khẩu. Nhờ vậy, quốc gia này trở thành “nhà cung cấp khổng lồ” về nhiều mặt hàng đa dạng, bao gồm nguyên liệu thô, sản phẩm chứa hóa chất và các loại máy móc như thiết bị vận tải,...
Đồng thời, Ukraine cũng đảm nhận vị trí nhà cung cấp khoáng sản chính cho thế giới.
Trong một diễn biến khác, Nga kiểm soát khoảng 10% dự trữ đồng toàn cầu và là nhà sản xuất chính niken và bạch kim. Niken là một nguyên liệu thô quan trọng được sử dụng trong sản xuất pin xe điện. Nước này cũng là một nhà xuất khẩu đồng lớn - kim loại được sử dụng rộng rãi trong sản xuất thiết bị điện tử và xây dựng nhà cửa.
“Ngành công nghiệp chip của Mỹ chủ yếu dựa vào đèn neon có nguồn gốc từ Ukraine và Nga cũng xuất khẩu một số nguyên liệu quan trọng để sản xuất chất bán dẫn, động cơ phản lực, ô tô và y học”, ông Hong nói thêm.
Bên cạnh Mỹ, Đức là nước phải nhận hậu quả nặng nề nhất trong số các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine,
Ông Atul Vashistha, giám đốc công ty cung cấp thông tin về chuỗi cung ứng Supply Wisdom, cho biết hầu hết nhiên liệu dùng cho sản xuất và khí đốt của Đức được lấy từ Nga. Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, toàn bộ hoạt động sản xuất ở Đức sẽ bị kìm hãm.
Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Đức - bao gồm ô tô, phụ tùng ô tô và thiết bị vận tải khác, đồ điện tử, kim loại, nhựa - đều có thể giảm sản lượng.