Theo Guardian, Kiev tin rằng tư cách thành viên NATO, mang theo triển vọng phòng thủ của “chiếc ô hạt nhân phương Tây”, là sự đảm bảo thực tế lâu dài duy nhất cho an ninh của họ, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột với Nga ngày càng leo thang.
Kiev dự kiến sẽ được cung cấp một gói "đảm bảo an ninh" tại hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài hai ngày. Đây sẽ là sự đảm bảo từ các quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp và Đức rằng viện trợ và đào tạo quân sự sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai.
Tổng thống Joe Biden cho biết hôm 9/7 rằng Ukraine "chưa sẵn sàng" để trở thành thành viên của NATO. (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 8/7 thừa nhận rằng điều Kiev mong muốn lúc này chỉ là “sự rõ ràng về lời mời Ukraine gia nhập khối”, đồng thời gợi ý rằng hội nghị tại Vilnius sẽ là “thời điểm thích hợp” để thúc đẩy điều này.
Tuy nhiên, Mỹ và Đức dường như không sẵn sàng ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh 31 quốc gia trong khi cuộc xung đột với Nga vẫn đang diễn ra. Điều này khiến cơ hội trở thành thành viên NATO của chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trở nên mong manh hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/7 nói với CNN rằng Ukraine "chưa sẵn sàng" để trở thành thành viên của NATO. “Việc gia nhập NATO là một quá trình cần thời gian để đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn – từ dân chủ hóa đến một loạt các vấn đề khác”, ông Biden nói, đồng thời nhấn mạnh rằng NATO cần “vạch ra một lộ trình hợp lý” để kết nạp thành viên.
Song, ông Biden cũng gợi ý rằng Mỹ sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine tương tự như sự hỗ trợ mà Washington đã cung cấp cho Israel từ lâu. "Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp an ninh theo kiểu như mô hình an ninh chúng tôi cung cấp cho Israel - cung cấp vũ khí họ cần, và năng lực tự vệ", nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Lập trường này của Mỹ đã từng xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest năm 2008, khi Washington lên tiếng đề xuất kết nạp Ukraine và Georgia trở thành thành viên NATO. Tuy nhiên, thay vì được xúc tiến gia nhập liên minh, hai quốc gia này chỉ được thông báo đơn giản là họ có thể trở thành thành viên vào một thời điểm không xác định trong tương lai.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 7/7 cam kết sẽ có sự “tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO". Tuy nhiên, nếu lời cam kết này được đưa ra, đây sẽ là động lực cho Moskva tiếp tục chiến đấu.
Orysia Lutsevych, chuyên gia phụ trách vấn đề Ukraine của tổ chức tư vấn Chatham House, cho biết: “Nếu NATO hứa hẹn kết nạp Ukraine làm thành viên khi xung đột kết thúc thì điều đó sẽ khiến Nga tìm cách trì hoãn cuộc chiến”.
Một trong những nguyên tắc sáng lập của liên minh quân sự NATO là phòng thủ tập thể, thể hiện trong điều khoản số 5 của Hiệp ước Washington 1949. Trong đó nêu rõ “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh” và tất cả các quốc gia thành viên sẽ tham gia bảo vệ nước đang bị tấn công “ngay lập tức”.
Alice Billon-Galland, nhà nghiên cứu tại Chatham House, cho rằng công chúng Mỹ đang tỏ ra lo ngại về sự tham gia quá sâu của Washington vào cuộc xung đột ở châu Âu. Trong khi đó, Nhà Trắng dường như lại có những tính toán khác.
Mỹ được dự đoán sẽ nhấn mạnh vào những cam kết khác với Ukraine tại hội nghị Vilnius nhằm tạo ra những đảm bảo mới như cung cấp vũ khí dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác, trong đó bao gồm cả kinh tế.