Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

U23 Việt Nam chinh phục U23 châu Á: Olympic không phải giấc mộng hoang đường

(VTC News) -

U23 Việt Nam sẽ dự giải U23 châu Á với tâm thế của kẻ chinh phục, hoàn toàn khác với những lần "bơi ra biển lớn" trước đây trong lịch sử.

1. Không CĐV hay phóng viên nào được xem trận giao hữu giữa U23 Việt Nam và U23 Bahrain. Rút cục, mọi kết luận, thông tin chiến thuật về trận đấu chỉ là chuyện riêng của HLV Park Hang Seo, trợ lý và các cầu thủ. Xem tường thuật, khán giả cũng khó hình dung tình huống trên sân diễn ra như nào. 

Tuy nhiên, hãy để ý một chi tiết: U23 Việt Nam ép sân, tạo nhiều cơ hội. Cả hai bàn thua của đội đều đến từ những pha phản công của U23 Bahrain. Chi tiết này nói lên điều gì? Quang Hải cùng đồng đội để đối thủ hạ gục theo cách rất... U23 Việt Nam.

Ở trận này, các học trò của Park Hang Seo sắm vai đội mạnh, đá kiểu cửa trên, và thua theo cách các đội cửa trên thường thua: Tấn công nhiều, không ghi được bàn, bị phản công và thủng lưới.

U23 Việt Nam (áo vàng) thua sát nút U23 Bahrain.

2. Thời thế đổi thay quá nhiều. Mùa đông năm 2017, U23 Việt Nam của Park Hang Seo lên đường với mục tiêu khiêm tốn là có điểm, cọ xát và học hỏi. Mùa đông năm nay, U23 Việt Nam trở thành tấm gương, bài học của nhiều đối thủ. Báo chí Thái Lan phân tích hình mẫu thành công của Việt Nam, phóng viên Trung Quốc (Tân Hoa Xã) "cắp sách" đến hỏi HLV Park cách phát triển bóng đá nước nhà.

2 năm qua, bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup, lấy HCV SEA Games, đứng hạng Tư ASIAD, vào tứ kết Asian Cup. Các CĐV, và bản thân cầu thủ có tới hơn 700 ngày để làm quen với vị thế mới.

Song, cảm giác bước ra châu lục, đương đầu với các anh tài đến từ Tây Á, Trung Á, Đông Á,... bằng bệ đứng của một đội mạnh vẫn là trải nghiệm mới mẻ. 

U23 Việt Nam không còn là "hiện tượng".

Giải U23 châu Á tới đây còn mang dấu mốc đặc biệt, khi đó là sự lặp lại của giải đấu đầu tiên Park Hang Seo đến làm việc ở Việt Nam. Một chu kỳ thành công đã khép lại. Chu kỳ mới mở ra, với tầm vóc và sự kỳ vọng được đẩy lên mức độ mới.

Giờ đây, U23 Việt Nam không dự giải để "có điểm" hay cọ xát nữa. Toàn đội đến để giành vị trí cao. Suất đá Olympic không còn là giấc mộng hoang đường. Đó là mục tiêu thực tế. Nghe hơi vội vàng, nhưng là đương kim á quân, không đội bóng nào chỉ đặt mục tiêu vượt vòng bảng được.

3. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa U23 Việt Nam một bước sánh ngang đẳng cấp U23 Nhật Bản, U23 Hàn Quốc hay U23 Uzbekistan. Để bước chung mâm với các đội mạnh, bóng đá Việt Nam cần đều đặn có thành tích tốt ở nhiều giải đấu trong nhiều năm. Một giải đấu tốt, cơ bản chưa nói lên nhiều điều, nhất là giải trẻ có nhiều ẩn số, bất ngờ.

Song, muốn trở thành đội lớn, nhất thiết phải "nghĩ lớn, làm lớn" và chịu áp lực chiến thắng như như đội mạnh. Nếu U23 Việt Nam không có kết quả tốt, mà dư luận, CĐV vẫn hài lòng, ấy mới là... nguy hiểm. Khán giả có quyền đòi hỏi đội bóng của Park Hang Seo ngày một tốt hơn.

Sự nâng cao về "chuẩn kỳ vọng" là dấu hiệu của sự biến chuyển về đẳng cấp của một nền bóng đá. 

Tầm vóc bóng đá Việt Nam lớn hơn trước rất nhiều.

Nhìn lại thất bại của U23 Việt Nam trước U23 Bahrain. Chúng ta đã thua trong trận đấu được thua, nhân cơ hội kiểm nghiệm lối chơi, đội hình. Cách thi đấu tấn công chủ động và hàng loạt cơ hội tạo ra cũng cho thấy U23 Việt Nam đã chơi như một đội mạnh.

Sẽ không còn đội hình co cụm, trông chờ vào phản công và một chút may mắn. U23 Việt Nam ở giải này hướng tới sự chủ động, khoa học và sòng phẳng trong cả tấn công và phòng ngự. Không còn giải đấu mà đi sâu đến đâu hay đến đó, mà là mục tiêu, định hướng rõ ràng.  

Đẳng cấp và kinh nghiệm của những Quang Hải, Tấn Sinh, Hoàng Đức, Tiến Linh, Đức Chinh,... cho phép U23 Việt Nam được chơi như vậy. Đó cũng là thay đổi hợp lý, khi "nhất cử nhất động" U23 Việt Nam sẽ bị đối thủ nghiên cứu, đánh giá rất kỹ. 

Càng gần đỉnh cao, gió càng thổi mạnh. Thách thức hiện tại của U23 Việt Nam là tín hiệu vui, bởi chỉ có những đội mạnh và đẳng cấp thực sự mới có "quyền" được gặp khó khăn kiểu thế.

Hồng Nam

Tin mới