Thất bại đau đớn của U22 Việt Nam đương nhiên mang đến cảm giác thất vọng cho người hâm mộ. Dẫu vậy, việc thầy trò ông Philippe Troussier dừng chân trước trận chung kết thực ra cũng không phải điều bất ngờ với giới chuyên môn.
U22 Việt Nam thua U22 Indonesia. (Ảnh: Thế Sơn)
Lứa cầu thủ U22 Việt Nam tranh tài ở SEA Games 32 thua kém rõ rệt so với các thế hệ đàn anh, cả về cá nhân lẫn tập thể. Đó là điều mà ngay cả HLV Philippe Troussier cũng phải thừa nhận.
Xuất phát điểm của Huỳnh Công Đến và đồng đội không phải là thắng Thái Lan, Australia như Công Phượng, Xuân Trường hay giành quyền tham dự World Cup như Quang Hải, Hoàng Đức. Dấu ấn của họ là... thua Campuchia ở giải U18 Đông Nam Á. Không phải đến bây giờ lứa cầu thủ này mới bị gọi là "thế hệ không có tương lai". Chính ông Troussier cũng đã nhắc lại câu chuyện quá khứ trong buổi họp báo sau trận bán kết.
U22 Việt Nam 2-3 U22 Indonesia.
U22 Việt Nam ở SEA Games 32 thua xa đàn anh "thế hệ vàng" về tiềm năng, cũng chẳng có nhân tố nổi bật. Mặt khác, đội hình dự SEA Games 32 của HLV Troussier cũng không có ngôi sao quá tuổi "gánh đội" như cách Hùng Dũng, Hoàng Đức và Tiến Linh tạo ra sự khác biệt so với phần còn lại của cả giải đấu cách đây một năm.
U22 Việt Nam dự SEA Games 32 là đội hình có xuất phát điểm là con số không, thậm chí thấp hơn thế - sau những thất bại liên tiếp. Họ được dẫn dắt bởi một HLV mang phong cách huấn luyện kiểu "đường dài" nhưng lại chỉ có 2 tháng để chuẩn bị. Đặt kỳ vọng giành huy chương vàng vào lực lượng như vậy đòi hỏi sự lạc quan nhiều hơn so với những năm trước.
U22 Việt Nam thất bại không phải bất ngờ.
U22 Việt Nam thua thiệt toàn diện so với trạng thái mạnh nhất của đội bóng, và so trực tiếp với đối thủ cũng chẳng có điểm nào hơn. Trong cặp đấu bán kết trên sân Olympic chiều 13/5, đội bóng mang dáng dấp của nhà vô địch thế hệ Quang Hải, Hoàng Đức phải là... U22 Indonesia mới đúng.
Quá nửa đội hình của đội bóng xứ vạn đảo là tuyển thủ quốc gia. Cổ động viên Việt Nam nghe tên Witan Sulaeman hay Pratama Arhan có lẽ còn quen hơn Nguyễn Thái Sơn, Huỳnh Công Đến. Những ngôi sao trẻ của U22 Indonesia dự SEA Games từ năm 2019.
Cách thua của U22 Việt Nam trong trận bán kết phản ánh toàn bộ những điều đó. Các học trò của HLV Troussier chơi bóng có ý tưởng rõ ràng, nhưng điều quan trọng là chưa hiệu quả. Thế rồi, ở thời điểm quan trọng, họ không có đủ sự kinh nghiệm thực chiến để có thể kiểm soát tình hình.
Rõ ràng mọi thứ xảy ra với U22 Việt Nam không nằm ngoài dự đoán của đa số giới chuyên môn. Sự kỳ vọng dành cho ông Troussier và các học trò không cao. Họ có quá nhiều điểm bất lợi khách quan cũng như thiếu sót về mặt chủ quan. Giành huy chương vàng là thành công lớn, còn thất bại chẳng có gì bất ngờ.
Sau giai đoạn thành công mà mọi tinh hoa của nền bóng đá đều đổ dồn vào 2-3 lứa cầu thủ, sự đi xuống là điều tất yếu. Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay cả "thế hệ vàng" đỉnh cao của bóng đá Việt Nam những năm qua cũng chẳng thể bảo vệ được ngôi vị số một ở AFF Cup.
Thất bại của U22 Việt Nam ở bán kết SEA Games 32 - sau 2 kỳ đại hội liên tiếp giành huy chương vàng báo hiệu thời kỳ hiếm ngôi sao mới và ít danh hiệu của bóng đá Việt Nam.